Lợi cả đôi đường

16:57, 12/01/2015

Trong những năm qua, Dự án khí sinh học (xây dựng hầm biogas) được triển khai trên địa bàn huyện Định Hóa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại.

Mỗi công trình được xây dựng không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra khí đốt phục vụ sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của các hộ chăn nuôi...

.

Ông Bùi Đức Liên, một hộ chăn nuôi lợn ở thôn Thẩm Thia, xã Thanh Định cho biết: Biết được có chương trình hỗ trợ tiền để xây dựng hầm biogas, năm 2011, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 1 hầm biogas có thể tích  trên 70m3 với tổng kinh phí 44 triệu đồng. Mấy năm nay, gia đình tôi lúc nào cũng duy trì chăn nuôi khoảng 100 con lợn thịt mà không phải lo lắng bị ô nhiễm môi trường xung quanh. Ngoài ra, công trình hầm biogas còn cung cấp đủ khí đốt cho gia đình sử dụng thắp sáng bóng điện ủ ấm cho đàn lợn con trong những ngày đông giá rét và nấu rượu...

 

Không chỉ có gia đình ông Liên, hàng nghìn hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng đã đầu tư xây dựng hầm biogas theo Dự án khí thải sinh học. Dự án khí sinh học (hầm biogas) được triển khai trên địa bàn huyện Định Hóa từ năm 1998 đến năm 2003 với việc xây dựng hầm nắp không cố định do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ Dự án. Từ năm 2004 đến năm 2009, Dự án do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai với việc xây dựng các công trình hầm biogas hầm nắp cố định. Từ năm 2010 đến nay, Dự án được Ban Quản lý Dự án khí sinh học (Sở Nông nghiệp và PTNT) triển khai. Hiện nay, các hộ tham gia Dự án được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/công trình, được vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với mức vay tối đa 49 triệu đồng (trong đó Dự án hỗ trợ 25% lãi suất). Tính đến nay, tổng dư nợ mà các hộ dân được vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với lãi suất ưu đãi là gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ tham gia Dự án còn được tập huấn vận hành, sử dụng khí sinh học, phụ phẩm trước và sau xây dựng công trình. Nhờ có cơ chế hỗ trợ này, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng tham gia.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa, toàn huyện hiện có khoảng trên 1.500 công trình hầm biogas, trong đó có khoảng gần 1.200 công trình được xây dựng theo Dự án khí thải sinh học, còn lại là do hộ dân tự đầu tư xây dựng. Qua kết quả sử dụng hầm biogas cho thấy với những gia đình chăn nuôi nhiều, nguồn phân dồi dào, công trình biogas sẽ xử lý tốt vấn đề phân thải của vật nuôi. Nguồn khí là nguyên liệu khí đốt phục vụ đun nấu và thắp sáng, tiết kiệm chi phí, giảm tối đa nguy cơ dịch bệnh cho đàn gia súc đồng thời giải phóng được nhiều sức lao động, sử dụng phụ phẩm từ hầm biogas để chăm bón rau màu, lúa vừa đảm bảo vệ sinh an toàn vừa tăng năng suất cây trồng.

 

Lượng phân sau khi đã qua phân hủy ở hầm biogas sử dụng bón cho các cây trồng sẽ ít mầm bệnh gây hại. Ngoài ra, nguồn nước qua xử lý trong hầm biogas có thể sử dụng ngược lại làm tăng chất dinh dưỡng trong thức ăn chăn nuôi lợn. Anh Ma Đình Sản, xóm Đá Bay, xã Bình Yên cũng cho hay: Sau khi nghe có chương trình hỗ trợ xây dựng hầm biogas, được vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với lãi suất ưu đãi, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 1 hầm biogas với thể tích 10m3 với tổng kinh phí là 12 triệu đồng, đáp ứng đủ nhu cầu nuôi 30 con lợn thịt mà không bị mùi hôi thối do nguồn phân gây ra. Cùng với đó, khí đốt từ hầm sản sinh còn đáp ứng đủ cho gia đình đun nấu, thắp sáng và nấu rượu...

 

Ông Hà Quang Giàu, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa, kỹ thuật viên phụ trách Dự án xây dựng hầm biogas của huyện cho hay: Hiện nay, mỗi hầm biogas được các hộ xây dựng có thể tích 6m3, 9m3, thậm chí là 20 đến 50m3, tùy thuộc vào quy mô chăn nuôi của từng hộ. Các hầm biogas trên địa bàn huyện được xây dựng bằng gạch hoặc bằng vật liệu nhựa Composit. Qua tính toán, nếu xây dựng bằng gạch, thì chi phí cho việc xây dựng hầm sẽ vào khoảng 900 nghìn/m3, nếu xây dựng bằng vật liệu nhựa  Composit thì chi phí xây dựng hầm sẽ vào khoảng 1,5 triệu đồng. Như vậy, nếu xây dựng 1 hầm biogas có thể tích 10m3 thì sẽ mất khoảng 9 đến 15 triệu đồng. Số tiền này so với các hộ chăn nuôi 20 - 30 con lợn/lứa thì hoàn toàn có thể đủ khả năng xây dựng. Trong khi đó, các hộ sử dụng hầm biogas sẽ giải quyết được khâu giảm thiểu mùi hôi thối, lại thu được khí gas sử dụng thoải mái trong đun nấu, thắp sáng.