Nỗ lực vượt thu cho ngân sách Nhà nước

10:49, 13/01/2015

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, nhưng bằng nhiều biện pháp tăng thu tích cực, năm 2014, ngành Thuế Thái Nguyên tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với tổng thu đạt 4.110 tỷ đồng, bằng 119% dự toán tỉnh giao và tăng 22% so với năm 2013.

Năm qua, Cục Thuế tỉnh được Bộ Tài chính giao thu 3.200 tỷ đồng, còn tỉnh giao 3.452 tỷ đồng. Kết quả, toàn ngành đã thu được 4.110 tỷ đồng. Trong đó thu từ thuế và phí được 3.281 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất được 829 tỷ đồng. Trong số các nguồn thu, nhiều khoản thu có kết quả đạt cao. Đáng kể nhất là nguồn thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài, với số thu đạt 430 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2013, thu từ thuế thu nhập cá nhân được 306 tỷ đồng, bằng 118% dự toán tỉnh giao. Tiếp đến là thu tiền thuê đất được 199 tỷ đồng, tăng 376% so với năm 2013, thu tiền sử dụng đất được 829 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2013. Một số nguồn thu tuy không đạt kế hoạch (nguyên nhân chủ yếu do nhiều chính sách thuế thay đổi theo hướng có lợi cho người nộp thuế như giảm thuế suất cho DN, miễn giảm thuế cho nhiều sản phẩm, giá tính thuế một số tài nguyên giảm… khiến nguồn thu bị giảm) nhưng so với năm 2013, số thu vẫn tăng đáng kể. Đó là các nguồn thu từ DN Nhà nước Trung ương, thực hiện được 753 tỷ đồng, bằng 84% dự toán tỉnh giao, nhưng so với năm 2013 tăng 6%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh được gần 950 tỷ đồng, bằng 99% dự toán Bộ giao, tăng 15% so với năm 2013; thu phí, lệ phí được 128 tỷ đồng, bằng 99% dự toán Bộ giao, tăng 29% so với năm 2013.

 

Đáng lưu ý, với 11 đơn vị trong toàn ngành thực hiện chức năng thu (gồm 9 chi cục thuế cấp huyện và 2 phòng chức năng thuộc Cục Thuế tỉnh) thì 100% các đơn vị đều hoàn thành vượt mức dự toán tỉnh giao ở mức tương đối cao. Với kết quả này, Thái Nguyên được xếp vào danh sách 43 địa phương trong cả nước có mức tăng trưởng thu so với năm 2013. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh cũng được Tổng cục Thuế đánh giá là một trong các địa phương làm tốt công tác kê khai, kế toán, hoàn thuế giá trị gia tăng cũng như trong công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách; giảm được số nợ thuế so với năm 2013 là 17%.

 

Có được kết quả này, theo đồng chí Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh là nhờ sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, mà trước hết phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cũng như sự phối hợp của các cấp ngành, địa phương trong tỉnh. Cùng với đó là sự nỗ lực, vươn lên của nhiều DN, đặc biệt là một số DN trọng điểm của tỉnh. Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự đoàn kết, thống nhất, với nhiều giải pháp thu hiệu quả, hợp lý, sáng tạo của toàn ngành Thuế.

 

Được biết, ngay từ đầu năm, sau khi có chỉ tiêu giao thu, Cục Thuế tỉnh đã triển khai, giao nhiệm vụ cho tất cả các đơn vị thực hiện chức năng thu với kế hoạch thu được cụ thể, chi tiết đến từng tháng, quý; chỉ đạo các đơn vị thu tiến hành rà soát và quản lý chặt chẽ nguồn thu; tăng cường việc giám sát tình hình kê khai của các DN, trong đó chú trọng đến các nguồn thu lớn, các dự án lớn, địa bàn trọng điểm; tăng cường khai thác các nguồn thu thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện để bù đắp các khoản giảm thu, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế và chính sách thuế thay đổi. Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh luôn chủ động tham mưu kịp thời với UBND tỉnh về các chính sách thuế và quản lý các DN trên địa bàn, nhất là liên quan đến chính sách của tỉnh để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác quản lý thuế. Trên các lĩnh vực khác như cải cách, hiện đại hóa ngành thuế và quản lý thuế cũng được Cục Thuế Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, chú trọng.

 

Phát huy những thành tích đạt được, năm 2015, ngành Thuế tỉnh phấn đấu số thu nội địa vượt dự toán của tỉnh giao là 4.000 tỷ đồng, trong đó, thuế phí là 3.400 tỷ đồng; tiền sử dụng đất là 600 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế xuống còn 120 giờ theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

 

Triển khai sâu rộng các chính sách, pháp luật về thuế, đặc biệt là các chính sách có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 và các văn bản, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính và của tỉnh. Tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ban, ngành trong tăng cường quản lý thu ngân sách, đặc biệt là với những DN lớn, DN trọng điểm để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Cùng với đó, ngành Thuế cũng sẽ tập trung làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra về thuế nhằm giám sát tốt việc tuân thủ pháp luật về thuế của các DN, chống thất thu thuế, ngăn chặn và răn đe các hành vi chây ỳ nộp thuế, trốn thuế và chiếm đoạt tiền thuế; thực hiện tốt các giải pháp về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Đặc biệt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành Thuế.