Trăn trở ở một một xóm nghèo

10:57, 27/01/2015

Anh Liểu Văn Đại, Trưởng xóm Suối Lửa cho biết: Suối Lửa là một xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Thành với 82 hộ dân và 370 nhân khẩu, trong đó 95% hộ dân là đồng bào dân tộc Nùng. Đời sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nước để canh tác, đường giao thông không thuận lợi, việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật của bà con còn nhiều hạn chế...

Được biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của xóm là hơn 27ha đất nông nghiệp vì không có hồ, đập chứa nước hay hệ thống kênh mương nên người dân chỉ trông chờ vào nước mưa để sản xuất. Một năm bà con gieo cấy hai vụ, vụ xuân cấy được khoảng 85% diện tích, còn vụ mùa diện tích chỉ có thể gieo cấy được khoảng 30%-40%. Vì thiếu nước nên năng suất lúa chỉ khoảng 1tạ/sào, có vụ do thời tiết khô hạn nên nhiều diện tích lúa không cho thu hoạch hoặc thu hoạch không đáng kể. Bởi thế, nhiều năm liền, có những hộ dân trong xóm rơi vào tình trạng thiếu ăn tới gần nửa năm. Chị Nguyễn Thị Hà, một nông dân trong xóm cho biết: Nhà tôi có 6 sào ruộng, song vụ nào cũng chỉ cấy được khoảng 3 sào. Vào mùa khai thác gỗ, vợ chồng tôi đi phát rừng thuê nhưng vẫn không đủ để trang trại cuộc sống nên năm nào cũng thiếu ăn đến 3 tháng. Vụ xuân năm nay, có 3 sào ruộng gần nhà nên tôi đã chủ động bơm nước từ dưới ao, giếng lên để gieo cấy. Diện tích còn lại phải chờ mưa mới cấy được.

 

Không chỉ thấp thỏm trước nỗi lo thiếu nước sản xuất nông nghiệp mà hằng ngày, người dân xóm Suối Lửa còn phải đối mặt với khó khăn trong việc đi lại, thông thương hàng hóa trên con đường đất đá nhỏ hẹp với ổ trâu, ổ gà, chớm mưa là lầy lội.  Khổ nhất là con trẻ, cứ trời mưa to là phải nghỉ học. Trong xóm, bà con muốn bán con lợn, gà hay các mặt hàng nông sản đều phải thuê một số phương tiện như xe tải, xe trâu, xe ngựa để vận chuyển ra ngoài trung tâm xã. Ông Liểu Văn Lượng, một trong 2 hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm nhiều nhất xóm cho biết: Vì đường sá khó khăn nên tôi cũng không dám chăn nuôi nhiều, một năm chỉ nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa trên 40 con. Mỗi lần xuất bán, tôi đều phải thuê 4-5 chuyến xe tải chở lợn ra ngoài đường to để cân cho các thương lái, mỗi chuyến tôi phải trả với giá từ 500-700 nghìn đồng. Một năm chăn nuôi lợn, gia đình tôi thu nhập gần 100 triệu đồng, nhưng riêng chi phí thuê vận chuyển từ khi bắt đầu nuôi đến khi xuất bán đã hết khoảng 25 triệu đồng nên thu lãi không được bao nhiêu.

 

Một khó khăn nữa là hầu hết bà con trong xóm đều là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Chẳng hạn như, 30% hộ dân vẫn còn giữ thói quen chăn, thả rông trâu, bò trên rừng; gần 40% diện tích gieo cấy lúa không bón phân hoặc có sử dụng phân bón nhưng không đảm bảo đủ lượng, đúng lúc.Với tâm lý lo sợ nên bà con chưa mạnh dạn đưa các giống lúa, ngô lai cho năng suất cao vào gieo trồng mà phần lớn vẫn sử dụng các giống lúa cũ như khang dân, Q5… để thâm canh nên năng suất không cao. Cùng với đó, bà con chưa có điều kiện mua máy làm đất, máy gặt… để phục vụ sản xuất mà chủ yếu vẫn sử dụng trâu, bò và huy động sức người tham gia sản xuất nông nghiệp. Với những khó khăn trên, từ nhiều năm nay, người dân nơi đây vẫn loay hoay mãi mà chưa tìm được lối thoát nghèo. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xóm chiếm gần 30%; lương thực bình quân đầu người đạt 400kg/người/năm…

 

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn của bà con xóm Suối Lửa, ông Đinh Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Năm 2013, thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, Suối Lửa được đầu tư lắp đặt một trạm biến áp với công suất 180 KVA; hỗ trợ 125 tấn xi măng để bê tông hóa 1,6km đường giao thông với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, hằng năm, xã Tân Thành đều phối hợp với xóm tổ chức khoảng 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con đưa cây, con giống mới vào sản xuất; vận động bà con khắc phục khó khăn trong sản xuất bằng cách bơm nước từ các ao hoặc đào một số giếng nước tại các cánh đồng khô hạn để có thêm nguồn nước phục vụ gieo cấy; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế gia đình, với tổng dư nợ hằng năm đạt trên 1 tỷ đồng…

 

Tuy nhiên, để cuộc sống của người dân vơi bớt khó khăn, xóm Suối Lửa rất mong được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, đầu tư hệ thống thủy lợi, đường giao thông nông thôn...