Thêm một năm khó khăn, các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Công I vẫn tiếp tục nỗ lực để duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong chặng đường dài vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế, bên cạnh một vài doanh nghiệp tại KCN này đã “hụt hơi” thì phần lớn còn lại đang duy trì hoạt động, có trường hợp đạt được tăng trưởng khá và tiếp tục đầu tư phát triển.
Được ví như “anh cả” trong số các KCN của tỉnh, KCN Sông Công I được thành lập sớm nhất và có hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, hiện đại. Đến nay, KCN này đã thu hút được 71 dự án, trong đó 7 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 40 dự án đang hoạt động, số còn lại chờ cấp đất. Các dự án đang hoạt động hiện sử dụng khoảng 7.500 công nhân, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (tổng doanh thu năm 2014 đạt gần 3.300 tỷ đồng) và nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế những năm qua đã khiến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh mặt hàng luyện kim (chiếm phần lớn) tại KCN Sông Công I lâm vào khó khăn triền miên: Đầu ra sản phẩm không thuận lợi, áp lực từ lượng hàng tồn kho, thiếu vốn và vấn đề duy trì việc làm, “giữ chân” người lao động…
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đều phải nỗ lực và chật vật để duy trì hoạt động bằng cách tích cực áp dụng những giải pháp hợp lý hóa sản xuất, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường, tiết giảm chi phí nhằm hạ giá thành và đẩy mạnh tiếp thị. Tuy vậy, quy luật đào thải khắc nghiệt của thương trường đã khiến một số doanh nghiệp không đủ sức “trụ vững”. Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh thì thời điểm cuối năm 2012 có tới khoảng 80% đơn vị sản xuất, kinh doanh tại KCN Sông Công I giảm quy mô hoạt động, 3 doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Hiện nay, số doanh nghiệp dừng sản xuất, giãn tiến độ tăng lên 6, một số đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng, giảm mạnh về quy mô… Có thể nói, “bức tranh” chung về các doanh nghiệp tại KCN Sông Công I còn khá ảm đạm.
Công nhân của Công ty CP Phong Phú đang sản xuất kết cấu thép.
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp công nghiệp nặng tại KCN Sông Công I thì việc duy trì sản xuất đã được coi là thành công trong giai đoạn khó khăn kéo dài, để có đủ lực và tự tin vượt qua chặng đường gian nan phía trước. Và thực tế thì phần lớn doanh nghiệp tại đây đã làm được điều đó, ít nhất là đến thời điểm này, không ít doanh nghiệp còn đạt được sự tăng trưởng khá và đầu tư mở rộng quy mô. Điển hình như các trường hợp: Nhà máy may TNG Sông Công, Nhà máy Kẽm điện phân, Công ty CP Thép Toàn Thắng, Công ty CP Phong Phú, Công ty CP Nhật Anh và các dự án FDI mới đi vào hoạt động. Dưới đây là 2 ví dụ cụ thể.
Từng là một đơn vị gây ô nhiễm nặng và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, nhưng từ nửa cuối năm 2013 đến nay, Nhà máy Kẽm điện phân (thuộc Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên) hoạt động ổn định và đạt kết quả sản xuất tốt. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Nhà máy được Công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các hạng mục nhằm đảm bảo môi trường; lắp đặt một nồi hơi công nghệ mới trị giá trên 5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Phú Hùng, Giám đốc Nhà máy cho biết: Cùng với việc được đầu tư hiện đại hóa dây truyền thiết bị sản xuất, chúng tôi quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường trách nhiệm cá nhân và luôn khuyến khích tinh thần sáng tạo của người lao động. Hết năm 2014, Nhà máy sản xuất được hơn 10.000 tấn kẽm thỏi, vượt công suất thiết kế cũng như chỉ tiêu Công ty giao; đảm bảo việc làm cho 459 lao động (tăng 40 người so với đầu năm) với mức thu nhập bình quân 6,4 triệu đồng/người/tháng (cao hơn khoảng 2 triệu đồng so với năm 2013).
Công ty CP Phong Phú đầu tư sản xuất - kinh doanh tại KCN Sông Công I từ năm 2009 với ngành nghề chính là thiết kế, sản xuất hệ thống xử lý khí thải công nghiệp, kết cấu thép và kinh doanh các mặt hàng tôn. Trước nhu cầu của thị trường giảm mạnh do suy thoái kinh tế, Công ty đặc biệt coi trọng giữ vững uy tín bằng chất lượng sản phẩm, liên tục phát triển thị trường và quan tâm chăm sóc khách hàng. Vì vậy, doanh thu hàng năm của Công ty vẫn tăng đều ở mức 20%. Năm 2014, Công ty đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng thêm một khu nhà xưởng và trưng bày sản phẩm rộng 1.000m2, tuyển thêm 20 công nhân để mở rộng quy mô. Nhìn lại giai đoạn khó khăn đã phải trải qua, Giám đốc Nguyễn Tuấn Anh đúc kết: “Trong thương trường luôn tồn tại một quy luật, đó là rủi ro của người này thường là cơ hội cho người khác…”.
Có thể coi 2 trường hợp vừa nêu là những điển hình khiến chúng ta có cái nhìn lạc quan về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại KCN Sông Công I nói riêng cũng như trên phạm vi rộng hơn. Tuy khó khăn vẫn bao trùm nhưng hy vọng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành liên quan, với nội lực và sự tự tin vượt khó của chính các doanh nghiệp như những ví dụ ở trên, tình hình sản xuất công nghiệp tại KCN đầu tiên của tỉnh sẽ sớm khởi sắc trở lại.