Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, các hoạt động hợp tác thuận lợi hóa vận tải và thương mại trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Sông Mê Kông (GMS), Việt Nam đang có cơ hội để trở thành cửa ngõ huyết mạch kết nối giữa một trong những nền kinh tế lớn và phát triển nhanh nhất thế giới là Trung Quốc và các nước ASEAN. Tuy nhiên, thương mại biên giới cũng đang gặp phải nhiều thách thức lớn làm cản trở sự phát triển. Trong đó, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng đang được coi là rào cản chính khiến hoạt động thương mại biên giới của Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Rào cản đến từ hạ tầng cơ sở
Mặc dù được Nhà nước và các địa phương chú trọng, nhưng cơ sở hạ tầng cho thương mại biên giới vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Điểm yếu này làm giảm hiệu quả của thương mại biên giới, tăng chi phí giao dịch, giảm chất lượng hàng hóa do thời gian giao dịch kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Hội, Ủy viên Ban chỉ đạo Thương mại Biên giới Trung ương, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) cho rằng, cơ sở hạ tầng cửa khẩu như hệ thống kho, bãi phục vụ lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp, các thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng cho đến hệ thống đường giao thông kết nối, còn kém phát triển và thiếu đồng bộ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thương mại qua biên giới phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Tại Diễn đàn Đối tác phát triển quốc tế về thương mại qua biên giới diễn ra mới đây, đại diện các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang cũng khẳng định, vấn đề khó khăn nhất đối với hoạt động thương mại qua biên giới là hệ thống đường giao thông nối với cửa khẩu rất khó khăn. Hệ thống giao thông hiện chỉ đạt tiêu chuẩn cấp 4, 5 miền núi. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật như các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cửa khẩu, kho tàng, bến bãi vẫn chưa được đầu tư nhiều.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, việc hoàn thiện hạ tầng sẽ giúp thương mại qua biên giới phát triển, bởi có nhiều hoạt động liên quan như xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân, thương mại tại chợ biên giới. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng liên quan tới hàng loạt các dịch vụ hỗ trợ thương mại như kê khai hải quan, kiểm dịch, kho bãi, đóng gói hàng hóa, xếp dỡ, vận tải, tài chính, bảo hiểm, cung cấp điện nước, thu gom xử lý chất thải, dịch vụ lao động, nghiên cứu, tư vấn thâm nhập thị trường...
Trong khi đó, hạ tầng kém dẫn đến chất lượng yếu của các loại hình dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới, như bốc dỡ hàng hóa, thông quan, vận tải, kho vận, chưa nói các dịch vụ gia tăng như đóng gói, chế biến... làm chi phí tăng cao, giảm tính cạnh tranh, chất lượng của nông sản, thực phẩm giảm chất lượng.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, các vấn đề liên quan đến dịch vụ cũng là những rào cản quan trọng. Theo các chuyên gia kinh tế, các dịch vụ như thông tin, tư vấn kinh doanh, nghiên cứu thị trường có vai trò rất quan trọng, nhưng gần như chưa hình thành ở khu vực biên giới nên không giúp định hướng, điều tiết hoạt động thương mại biên giới và không ít thời điểm đã "lao đao" trước biến động thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Hoàng Thọ Xuân - nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc thiếu các dịch vụ trên cùng với hạ tầng kém, nên doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên bị đối tác nước ngoài ép giá. Nổi cộm nhất đối với doanh nghiệp làm thương mại biên giới là dịch vụ thanh toán. Do tính chất đặc thù, tỷ lệ giao dịch thương mại biên giới thanh toán qua ngân hàng rất thấp. Thực tế, hầu hết giao dịch bằng tín chấp, có nhiều rủi ro, nhưng hiện tại doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận, vì nhiều mặt hàng xuất khẩu qua hình thức tiểu ngạch. Hiện tại, các ngân hàng Việt Nam mạnh ai nấy làm dịch vụ thanh toán biên mậu, không liên kết, làm hạn chế kênh thanh toán.
Cần sự tham gia của khu vực tư nhân
Tại Diễn đàn Đối tác phát triển quốc tế về thương mại qua biên giới, theo đề xuất của 25 tỉnh biên giới, Việt Nam cần cải thiện 61 cửa khẩu; đầu tư 4 khu kinh tế biên giới; nâng cấp hoặc xây mới 122 chợ biên giới; nâng cấp, mở rộng 93 tuyến đường giao thông, đường dẫn và cầu đường bộ.
Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, điều này cũng gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Giải quyết nhu cầu vốn lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại biên giới trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công hiện nay từ nguồn ngân sách Nhà nước là rất khó. Theo chuyên gia kinh tế, GS.TS Võ Đại Lược, để phát triển cơ sở hạ tầng cho thương mại biên giới không nên trông chờ nguồn vốn Nhà nước. Nếu chúng ta có chính sách tốt, khu vực tư nhân sẽ giữ vai trò chính trong đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại biên giới. Giải pháp đổi đất đất lấy hạ tầng là giải pháp có thể áp dụng để khu vực tư nhân có thể làm được việc này.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Bộ Công Thương đang tham mưu kiến nghị Chính phủ xây dựng một cơ chế đầu tư trở lại từ ngân sách Nhà nước nhằm tăng cường hơn nữa việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng thương mại, kỹ thuật khu vực các cửa khẩu biên giới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các nhà tài trợ quốc tế cho thương mại biên giới.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đó là cần tiếp tục xây dựng và phát triển hành lang kinh tế Đông Tây để tạo động lực cho phát triển thương mại biên giới. Hiện hành lang kinh tế Đông Tây về căn bản, hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng nhưng mới chỉ là hành lang giao thông chứ chưa hoàn toàn được sử dụng thành một hành lang kinh tế và chưa phát huy được tiềm năng của nó. Để hoàn thiện tuyến hành lang này, theo các chuyên gia, một trong những lĩnh vực then chốt nhất cần tăng cường những cơ chế chính sách và những thể chế cần thiết để cho hành lang giao thông này trở thành hành lang kinh tế.
Về hoàn thiện các dịch vụ liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng ban chỉ đạo Thương mại Biên giới Trung ương cho biết, tới đây Ban Chỉ đạo Thương mại Biên giới Trung ương sẽ chủ động rà soát, đàm phán với các nước chung biên giới xây dựng, ký kết các hiệp định về thương mại, thương mại hàng hóa và dịch vụ qua biên giới và các hiệp định khác liên quan đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ thể chế hóa các nội dung quản lý nhà nước về thương mại biên giới bằng các văn bản pháp quy thích hợp với trình độ phát triển kinh tế đất nước và phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế.
Hiện Bộ Công Thương đã đề xuất 7 ý tưởng cụ thể chia thành 2 nhóm dự án với thời gian thực hiện từ nay đến 2020. Theo đó, nhóm 1 bao gồm các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dịch vụ như cải thiện cửa khẩu biên giới, xây dựng các khu hợp tác kinh tế, phát triển chợ biên giới và cải thiện các tuyến đường giao thông kết nối cửa khẩu. Trong đó có 10 cửa khẩu; 1 - 4 khu kinh tế biên giới, 45 chợ biên giới xây mới/nâng cấp; 15 tuyến đường kết nối cửa khẩu với tổng số vốn là 538,5 triệu USD. Nhóm 2 gồm 3 dự án tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách, thỏa thuận, quy hoạch và chiến lược phát triển thương mại, tăng cường năng lực cho các DN vừa và nhỏ trong hoạt động thương mại qua biên giới.
Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền dài trên 4.500 km với ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, chạy qua 25 tỉnh, bao gồm 7 tỉnh giáp với Trung Quốc, 10 tỉnh giáp với Lào và 10 tỉnh giáp với Campuchia. Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu song phương (cửa khẩu chính hoặc cửa khẩu quốc gia), 65 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở phục vụ hoạt động vân chuyển qua lại của người, phương tiện, hàng hóa giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới từ năm 2008 đến 2013 đạt trên 72 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Năm 2013, tổng kim ngạch trao đổi thương mại qua biên giới giữa Việt Nam với ba nước có chung biên giới đạt khoảng 19,6 tỷ USD, tăng 48% so với năm 2012. 6 tháng đầu 2014 kim ngạch xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới đạt 10,271 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2013.