Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 tăng 49% so với năm trước

17:03, 05/02/2015

Ngày 5-2, UBND tỉnh đã tổ chức đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2014, phương hướng nhiệm vụ thực hiện kế hoạch năm 2015. Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Theo nhận định chuyên môn, với tỷ lệ rất lớn các dự án, công trình quan trọng của tỉnh đã hoàn thành vào cuối 2014 và sẽ hoạt động ổn định trong năm 2015 như: Công trình đường dây, trạm biến áp cấp điện cho 2 Khu công nghiệp là Yên Bình và Điềm Thụy; Nhà máy điện tử số 2 của Samsung tại Thái Nguyên; Nhà máy nhiệt điện An Khánh; 34 dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung của các doanh nghiệp nước ngoài... sẽ tạo năng lực mới để nâng giá cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2015. Do đó, năm 2015 dự kiến tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 260 nghìn tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2014. Trong đó, công nghiệp Trung ương đạt 13.000 tỷ đồng, công nghiệp địa phương đạt 14.300 tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 232.700 tỷ đồng.

 

 Tại Hội nghị, một loạt các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong năm 2014, đẩy mạnh phát triển công nghiệp năm 2015 đã được các địa biểu quan tâm thảo luận và thống nhất, trong đó tập trung nhiều đến các giải pháp phát triển công nghiệp nội địa, góp phần cải thiện cơ cấu, tỷ trọng của toàn ngành.

 

Được biết, năm 2014 là năm có rất nhiều chuyển biến trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh với giá trị sản xuất tăng gấp 6,6 lần so với năm trước. Cơ cấu nội ngành đã có sự điều chỉnh rõ rệt từ công nghiệp nặng sang phát triển công nghiệp lắp ráp, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tình hình thu hút các dự án đầu tư, nhất là đầu tư vào các khu công nghiệp tăng cao; một số dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động... Tuy vậy, trong nội ngành công nghiệp của tỉnh vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhưng chỉ tăng ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực công nghiệp Trung ương chỉ đạt 83,7% kế hoạch. Các doanh nghiệp công nghiệp địa phương gặp khó khăn trong huy động vốn và mở rộng đầu tư. Khả năng tập trung, thu hút vốn để đầu tư có trọng điểm cho các dự án lớn của địa phương chưa cao; năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa mở rộng, sức cạnh tranh hạn chế...