Năm 2015, dự báo áp lực lạm phát từ thị trường thế giới không cao, đồng thời việc chỉ số giá tiêu dùng ba tháng liên tiếp giảm (tháng 11, tháng 12-2014 và tháng 1-2015) khiến áp lực lạm phát giảm.
Về định hướng quản lý, điều hành giá năm 2015 cần thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ quy luật thị trường, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Quản lý Nhà nước về giá tiếp tục được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường.
Ðể thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5%, các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường, giá cả và kiểm soát lạm phát. Chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình, diễn biến của thị trường, phối hợp tốt, chặt chẽ và hiệu quả với các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thương mại,... để ổn định kinh tế vĩ mô. Với trách nhiệm chính là kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm pháp theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,2%), bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) và nền kinh tế, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về giá, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật Giá; Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ðồng thời, giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành, theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là các dịp lễ, Tết.
Sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, địa phương sẽ góp phần giúp công tác quản lý, điều hành giá đi đúng lộ trình đặt ra, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Ðiều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu có những bước tiến dài, làm thay đổi nhận thức trong xã hội.