Thị trường Thái Nguyên những ngày cuối năm

15:15, 17/02/2015

Những ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014, người dân Thái Nguyên mua, bán tấp nập và giá cả các loại mặt hàng không hề tăng so với ngày thường.

Sức mua tăng

 

Chỉ còn 2 ngày nữa là bước sang năm mới Ất Mùi 2015. Dạo một vòng quanh thành phố Thái Nguyên, đâu đâu chúng tôi cũng thấy cảnh mua sắm rất nhộn nhịp. Dừng chân tại cửa hàng bán đồ tạp phẩm của chị Chu Thị Hoa nằm trên đường Bắc Cạn (T.P Thái Nguyên), sau khi lựa chọn một số mặt hàng như gạo tẻ, gạo nếp, miến dong, bánh kẹo, chúng tôi phải đợi khá lâu mới đến lượt thanh toán tiền. Chị Hoa cho biết: Từ ngày 27 Tết (tức 14-2) đến nay, khi cán bộ, công nhân viên chức chính thức được nghỉ Tết, lượng khách hàng tăng đột biến. Các mặt hàng nhu yếu phẩm bán rất chạy. Cửa hàng của tôi nhập về khoảng 300 triệu đồng tiền hàng mà đến nay đã bán gần hết. Một số mặt hàng như dầu ăn, mì chính, bột nêm… tôi định nhập về để ra Tết bán vì nghĩ mặt hàng này sẽ không có nhiều người mua trong dịp Tết nhưng đến thời điểm này lượng bán ra cũng đã vơi đi rất rất nhiều. Ra Tết tôi sẽ phải nhập them khá nhiều hàng về để bán, phục vụ nhu cầu của người tiêu dung.

 

Không chỉ riêng của hàng của chị Hoa mà ở hầu hết các điểm bán hàng tạp hóa, bánh, mứt, kẹo trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, lượng hàng hóa đã được tiêu thụ gần hết. Nhiều cửa hàng đã không còn mứt Tết để bán. Chị Nguyễn Thị Phương ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Trên ban thờ của mỗi gia đình không thể thiếu hộp mứt trong ngay Tết bởi đây là nét đẹp truyền thống của người Việt. Có những năm mứt Tết cháy hàng nên ngày mai mới làm mâm cơm Tất niên và bày biện mâm ngũ quả nhưng tôi đã phải mua mứt Tết từ hôm nay.

 

Hiện, sức mua thực phẩm tươi sống hoặc đã qua chế biến như thịt lợn, thịt bò, gà ta nguyên con, giò, chả… của người dân cũng tăng mạnh. Chị Đoàn Hồng Phương, tổ 11, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Một năm có 3 ngày Tết nên tôi muốn gia đình mình có những bữa ăn đủ đầy, ấm cúng mà vẫn đảm bảo tiết kiệm. Vì thế, tôi mua các loại thực phẩm nhiều hơn ngày thường nhưng cũng chỉ đủ dung trong mấy ngày Tết.

 

Mặt hàng rau, củ, quả cũng được bán rất chạy, nhất là tại các cửa hàng rau an toàn, lượng người đến mua tăng cấp đôi, ba lần so với ngày thường. Chị Mai Thị Hồng, tổ 32, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Ngày mai, bận làm mâm cơm cuối năm nên tôi sẽ mua đủ các loại rau để dự trữ đủ cả 3 ngày Tết. Tôi ăn rau an toàn quen rồi nên không dám mua ở ngoài chợ, trong khi hết ngày mai, các cửa hàng rau an toàn sẽ đóng cửa vài ngày.

 

Ngày 25-12-2014, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 26 về việc bình ổn giá cả thị trường và tổ chức đón Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là ngành Công Thương phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, đẩy giá các loại mặt hàng hóa tăng mạnh trong dịp Tết nguyên đán.

Có mặt tại khu vực Quảng trường Võ Nguyên Giáp (T.P Thái Nguyên), chúng tôi thấy lượng người mua hoa, cây cảnh rất đông. Theo ông Hoàng Mạnh Hà, một người bán cây quất cảnh ở khu vực này thì gia đình ông đã đầu tư 50 triệu đồng để mua hơn 100 cây quất các loại (gồm quất thế, quất thường) về bán. Mang quất về bán từ ngày 18 tháng Chạp năm Giáp Ngọ, nhưng phải đến ngày 28 Tết, lượng người mua hàng mới tăng cao. Hiện nay, số quất mang về đã bán được 4/5.

 

Giá cả ổn định

 

Nếu như nhiều năm trước, giá các loại mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết trên địa bàn tỉnh thường tăng khoảng 10-30% so với ngày thường thì năm nay, giá cả lại không tăng. Giá gà ta hơi, một trong những sản phẩm bán chạy nhất trong dịp Tết cũng chỉ có giá từ 120 đến 150 nghìn đồng/kg; giá miến dong Việt Cường vẫn ổn định ở mức 60 nghìn đồng/kg; giò lợn giá 150 nghìn đồng/kg, giá gạo nếp ở mức 160-200 nghìn đồng/kg, giá thịt lợn mông khoảng 100 nghìn đồng/kg… Giá các loại hoa quả cũng được giữ ở mức cũ, đơn cử, cam Hà Giang, giá bán từ 15-20 nghìn đồng/kg; bưởi Diễn giá bán 30-35 nghìn đồng/quả...

 

Chị Nguyễn Thị Huyền, một tiểu thương chuyên kinh doanh hàng khô ở chợ Thái (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Năm nay không có tình trạng khan hiếm hàng như những năm trước, nguồn cung ổn định nên giá các mặt hàng nhu yếu phẩm không tăng. Chúng tôi cũng rất mừng vì điều đó bởi khi người bán buôn cho chúng tôi cung cấp hàng với giá cao hơn ngày thường, chúng tôi cũng phải bán tăng lên như thế sẽ rất dễ mất khách hàng.

 

Đặc biệt với mặt hàng hoa, thường tăng giá đột biến vào những ngày giáp Têt do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao nhưng năm nay, giá cả cũng rất ổn định. Những loại hoa cao cấp như lan Hồ Điệp có giá từ 100 đến 150 nghìn đồng/cành; hoa ly từ 30-50 nghìn đồng/cành… Các loại hoa bình dân như cúc, vi ô lét… cũng có giá ổn định từ 2.500-3.000 đồng/cành...

 

Anh Triệu Đức Tươi ở đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Năm nào giá cả cũng ổn định như Tết năm nay, người dân chúng tôi rất phấn khởi.

 

Khi sức mua tăng mà giá các loại mặt hàng vẫn ổn định như hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy, tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt việc bình ổn giá cả, thị trường dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, an sinh, xã hội trên địa bàn…