Chịu tác động mạnh từ tăng giá điện

15:38, 18/03/2015

Việc ngành Điện áp giá bán điện mới (với mức tăng 7,5% so với trước) là sự điều chỉnh tuy không gây sốc nhưng cũng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất có phụ tải lớn trên địa bàn tỉnh lo lắng.

Nhiều giải pháp đã được các đơn vị áp dụng ngay sau ngày chốt chỉ số công tơ (16-3-2015) để tránh xáo trộn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng có lẽ không giải pháp nào khả thi hơn ngoài việc… tăng giá bán sản phẩm.

 

Từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm ngành Điện đều có điều chỉnh giá bán ít nhất một lần và cơ bản là điều chỉnh tăng. Lần điều chỉnh này tuy không có tác động nhiều đến những đối tượng sử dụng với mục đích sinh hoạt hoặc có lượng tiêu thụ điện thấp, nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đối với những đơn vị sản xuất công nghiệp có phụ tải lớn. Dù mức tăng trung bình là 7,5%, nhưng khi áp dụng với từng đối tượng cụ thể thì được quy định với những mức khác nhau. Đối với những DN có phụ tải lớn (tức là có cấp điện áp từ 22 đến dưới 110kv) mức quy định tăng cụ thể so với trước là: Nếu sản xuất trong giờ cao điểm sẽ tăng 202 đồng/kWh (tương đương tăng 8,58%), giờ thấp điểm tăng 87 đồng/kWh (10,67%) và giờ bình thường tăng 122 đồng/kWh (9,51%).

 

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là DN luyện kim có quy mô rất lớn nên lượng tiêu thụ điện năng mỗi ngày là không nhỏ. Theo tính toán của Công ty, mỗi ngày trung bình đơn vị phải tiêu tốn khoảng 1 triệu kWh điện và mỗi tháng dao động từ 25 đến 30 triệu kWh. Nếu tính theo giá cũ thì mỗi tháng trung bình tiền điện mà Công ty phải trả là khoảng từ 42 đến 45 tỷ đồng. Theo bảng so sánh mức bán giá điện mới với mức cũ mà Công ty Điện lực Thái Nguyên cung cấp thì từ ngày 16-3-2015, mỗi tháng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên sẽ tăng chi phí tiền điện lên khoảng 8% khi sản xuất ở giờ cao điểm, 9,51% ở giờ bình thường và trên 10% ở giờ thấp điểm. Ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thông tin: Theo giá điện mới thì mỗi tấn sản phẩm của đơn vị sẽ tăng gần 100 nghìn đồng. Do thị trường thép xây dựng đang có sự cạnh tranh gay gắt nên dù tăng giá thành nhưng giá bán vẫn phải giữ nguyên. Do vậy, với mức giá 11.400 nghìn đồng/tấn thép mà đơn vị hiện đang bán thì coi như không có lãi. Ngoài các giải pháp về tiết kiệm trong sản xuất, Công ty đã chỉ đạo giảm tới 40% sản lượng và dừng sản xuất trong giờ cao điểm. Điều này giúp giảm điện năng tiêu thụ nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập cũng như sinh hoạt của trên 5.000 lao động trong toàn Công ty.

 

Cũng là đơn vị luyện kim, tuy có quy mô nhỏ hơn song mức tiêu thụ điện năng của Nhà máy Kẽm điện phân (Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico) cũng khoảng 4.250kWh/1 tấn sản phẩm. Như vậy, với sản lượng trung bình 30 tấn/ngày, thì lượng tiêu thụ điện năng mỗi ngày của Nhà máy là khoảng 127.500kWh. Theo ông Nguyễn Văn Định, Phó Giám đốc Công ty thì áp với giá điện mới, mỗi tấn sản phẩm thiếc thỏi của Nhà máy sẽ tăng từ 70 đến 100 nghìn đồng. Do vậy, đơn vị xác định, biện pháp ứng phó với tình hình này là tăng cường quản lý chi phí vật tư đầu vào, tiết kiệm tối đa tiêu hao điện năng, nắm bắt tình hình thị trường để điều chỉnh giá bán phù hợp.

 

Với Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn, không có biện pháp nào khả thi hơn là phải tăng giá bán sản phẩm. Theo ông Lê Văn Ký, Giám đốc Công ty thì các biện pháp như tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thời gian vận hành trong giờ cao điểm là biện pháp mà thời gian qua các đơn vị sản xuất công nghiệp đều đã triển khai. Và thực tế các biện pháp này chỉ có thể bù đắp được một phần nhỏ chi phí do giá điện tăng. "Có thể, xi măng Quang Sơn chưa tăng giá ngay vì còn phụ thuộc vào thị trường chung, nhưng lâu dài chắc chắn phải tăng giá để đảm bảo kế hoạch tài chính của đơn vị. Khi chưa tăng giá bán thì sản xuất của đơn vị có thể sẽ hòa vốn hoặc có lãi thì cũng không đáng kể" - ông Lê Văn Ký cho biết thêm. Được biết, chi phí điện năng trực tiếp cho mỗi tấn sản phẩm (theo giá điện mới) sẽ tăng từ 10 đến 12 nghìn đồng. Cộng với các chi phí gia tăng khác từ nhập hàng hóa vật tư, nguyên nhiên liệu, chắc chắn giá thành sản xuất một tấn xi măng sẽ đội thêm từ 15 đến 20 nghìn đồng. Trung bình mỗi năm Công ty tiêu thụ khoảng 90 triệu kWh điện, tương đương với mức tiền khoảng 140 tỷ đồng.

 

Theo quy định của ngành Điện thì các phụ tải lớn có lượng điện tiêu hao từ 100 nghìn kWh điện/tháng trở lên sẽ phải tính chốt chỉ số và thu tiền điện theo 3 kỳ/tháng. Thống kê của Công ty Điện lực Thái Nguyên cho thấy, trong tổng số 27.000 khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt trên địa bàn thì có khoảng 70 khách hàng có phụ tải lớn. Trong đó, đáng chú ý là các đơn vị sản xuất trong ngành khai khoáng, luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghệ điện tử và sản xuất vật liệu xây dựng. Cụ thể như: Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên tiêu hao mỗi tháng khoảng 50 triệu kWh điện; các Nhà máy xi măng (như Quán Triều, La Hiên) khoảng từ 5 đến 10 triệu kWh điện/đơn vị; các nhà máy cơ khí chế tạo (như Diesel Sông Công, Phụ tùng máy số 1, Cơ khí Phổ Yên...) khoảng từ 1 đến 5 triệu kWh điện/đơn vị; các nhà máy luyện kim (như Luyện xỉ titan Cây Châm, Luyện gang Trung Việt, Luyện kẽm Việt Bắc...) cũng tiêu hao từ 500 nghìn tấn 3 triệu kWh điện/đơn vị. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Hoạch, Trưởng Phòng Kinh doanh điện năng (Công ty Điện lực Thái Nguyên) cho biết: Ngành Điện không có bất kỳ sự hỗ trợ nào khác đối với các DN có phụ tải lớn. Việc nộp tiền điện theo kỳ của các DN vẫn phải tuân thủ quy định hiện hành.

 

Như vậy, có thể khẳng định việc tăng giá điện đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN có phụ tải lớn trên địa bàn tỉnh. Những tác động đó đã và sẽ gây không ít khó khăn cho các DN sản xuất công nghiệp, nhất là khi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn đầu phục hồi.