Sau 4 năm mang giống chuối tiêu hồng từ tỉnh Hòa Bình về trồng trên đất vườn nhà, chị Đinh Thị Hạnh, xóm Thượng, xã Đông Cao (Phổ Yên) đã khẳng định đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Minh chứng là mỗi mùa trái chín, chị lại thu lãi khoảng 40 triệu đồng và kinh tế gia đình chị cứ thế khấm khá dần lên. Chúng tôi đến thăm vườn chuối tiêu hồng của gia đình chị Hạnh vào đúng dịp thu hoạch. Trên diện tích rộng chừng hơn 1 sào toàn những thân chuối đứng xếp hàng thẳng tắp, cây nào cây nấy cõng trên mình những buồng chuối trĩu nặng trông thật thích mắt. Những buồng chuối thõng dài, xếp đều những trái nẩy tròn xanh thẫm xung quanh. Chị Hạnh cho biết: Vườn chuối này được trồng trên dải đất vườn của gia đình, khu đất này nhiều gạch đá, cằn cỗi mà cây còn cho quả đẹp, nếu là đất bồi hoặc đất ruộng thì năng suất còn cao hơn rất nhiều. Trung bình mỗi buồng cho 7-8 nải, thỉnh thoảng có cây to, cao cho buồng dài tới 12, 13 nải. Ngoài khu vườn này, gia đình tôi còn trồng gần 2 sào nữa cũng là đất nửa cằn, nửa úng, trước vẫn bỏ không vì trồng lúa thì thiếu nước, trồng hoa màu thì ngập úng. Với hơn 200 cây chuối đang cho buồng, trung bình khoảng 30kg/buồng, ước tính gia đình tôi sẽ thu khoảng 6 tấn chuối tươi.
Trước đây, kinh tế gia đình chị Hạnh thuộc diện khó khăn ở xã bởi 5 nhân khẩu chủ yếu chỉ trông vào mấy sào ruộng cấy lúa. Mặc dù đất rộng, song gia đình chị cũng chẳng biết trồng cây gì bởi phần lớn là đất cằn, nhiều gạch đá. Rồi cây chuối tiêu hồng sinh sôi trong vườn nhà chị như một cơ duyên, đó là đầu năm 2011, trong một lần đi tham quan mô hình kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, nhìn thấy vườn chuối tiêu hồng trĩu trái, chị biết mình đã tìm thấy cây trồng phù hợp với điều kiện gia đình. Chị liền đặt mua giống chuối này về trồng tại đất vườn nhà. Ngay vụ đầu tiên chị đã trồng luôn gần 200 cây khắp vườn và cả những thửa ruộng cằn vẫn bỏ không. Vốn là giống cây dễ trồng, phát triển nhanh, chỉ sau 1 năm đã cho thu hoạch. Giá của loại chuối này cao hơn nhiều so với chuối tiêu thường. Ngày thường, một buồng chuối tiêu hồng bán được trên dưới 100 nghìn đồng, nhưng ngày rằm, mùng 1 hoặc Tết Nguyên đán bán được trên 300 nghìn đồng. Ngay lứa đầu tiên, gia đình chị đã thu được trên 1.500 nải chuối, bán được trên 20 triệu đồng.
Chia sẻ những kinh nghiệm trồng chuối tiêu hồng, chị Hạnh cho biết: Giống chuối này được nuôi cấy từ mô, sạch bệnh, kinh phí đầu tư thấp, tính cả giống và công chăm sóc từ khi trồng đến thu hoạch mỗi sào chưa đến 3 triệu đồng. Để cây phát triển tốt, chỉ cần bón lót phân chuồng hoai mục, cộng với một ít phân vi sinh và phân lân, đến khi chuối trỗ buồng, bón thúc một lần với phân chuồng và kali để kích cho trái khỏe, to đều. Giống chuối này ít sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc trừ sâu, khi chín quả có màu vàng đẹp, hương vị thơm ngon, và không chua như những giống chuối tiêu khác. Đặc biệt quả chuối khi chín rất ngọt, dai, thời gian quả chín kéo dài đến 10 ngày nên thuận tiện cho việc vận chuyển bán đi các tỉnh hoặc xuất khẩu.
Sau 4 năm trồng chuối tiêu hồng, chị Hạnh đã rút ra nhiều kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả kinh tế, một trong những kinh nghiệm quý giá được chị tiết lộ là: Khi cây mẹ được vài tháng tuổi đã đẻ nhiều cây chuối con, có thể chọn cây con tốt nhất tách ra và trồng kế bên. Khi cắt buồng thu hoạch và đốn bỏ cây mẹ thì cây con bắt đầu lớn nhanh, sáu tháng sau tiếp tục thu hoạch ở cây con. Như vậy, trong những năm tiếp theo, mỗi năm có thể thu hoạch 2 vụ. Như vậy, một lần mua giống có thể thu sản phẩm lâu dài và còn nhân rộng giống chuối trên những diện tích khác.
Cách làm này của chị Hạnh đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp kinh tế gia đình ngày một phát triển. Đến nay chị đã có một cơ ngơi khang trang, kinh tế vững vàng. Đặc biệt là đối với những diện tích đất kém màu mỡ thì chuối tiêu hồng đã mở ra một hướng mới để đem lại thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả kinh tế.