Diện mạo mới trên quê hương cách mạng

17:25, 19/03/2015

Tự hào là nơi thành lập Chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh (ngày 21-3-1945), những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai luôn đoàn kết, nỗ lực chung tay xây dựng quê hương ngày càng no ấm.

Huyện vùng cao Võ Nhai hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ trên con đường đổi mới và phát triển. Ngược dòng lịch sử. Vào năm 1936, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, Chi bộ hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) đã quyết định đưa cán bộ, đảng viên về nước xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng trong nước. Trên cơ sở đó, mùa Xuân năm 1937, tại xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng, tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên ở vùng đất Võ Nhai đã được thành lập, với 3 đồng chí: Chu Văn Tấn, Nông Văn Cần và Lục Văn Đủ. Ngay sau khi được thành lập, cơ sở Đảng đã tổ chức giác ngộ quần chúng, phát triển đảng viên và mở rộng địa bàn hoạt động sang các xã Tràng Xá, Lâu Thượng, La Hiên… Đến năm 1940, tổ chức cơ sở Đảng ở Võ Nhai đã có 10 đảng viên và nhiều quần chúng cốt cán, trở thành những nòng cốt lãnh đạo phong trào cách mạng. Đặc biệt, đây là những hạt nhân tích cực trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (1940) và tham gia vào Trung đội Cứu quốc quân II (ra đời tại rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá vào năm 1941), một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ chỗ chỉ có 3 đảng viên năm 1937, đến tháng 8-1945 số lượng đảng viên của Võ Nhai đã lên tới trên 30 đồng chí, hoạt động trên địa bàn 7 xã của huyện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng ở Võ Nhai phát triển ngày càng mạnh mẽ. Ngày 21-3-1945, quân và dân Võ Nhai đã nhất tề đứng lên đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật để thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên ở Thái Nguyên. 

 

70 năm sau Ngày thành lập Chính quyền cách mạng, huyện vùng cao Võ Nhai đã đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội. Đồng chí Nông Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Võ nhai cho biết: Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của cha ông, trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực để xây dựng huyện ngày càng đổi mới. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện luôn đạt trên 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,2 triệu đồng năm 2006 lên 13,5 triệu đồng (năm 2014). Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 6%/năm; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được duy trì và phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 11%/năm, chiếm 36% trong cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ đạt gần 14%/năm…

 

Đặc biệt, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (từ 2011 đến nay), bộ mặt nông thôn của Võ Nhai đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn có những thay đổi căn bản và tích cực. Toàn huyện đã làm mới, nâng cấp được trên 87km đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá được trên 67km kênh mương, làm mới, nâng cấp được 43 nhà văn hóa xóm, 6 nhà văn hóa xã… Ngoài ra, huyện còn tích cực triển khai và nhân rộng nhiều dự án, mô hình sản xuất mới, điển hình như: Dự án sản xuất lúa thuần chất lượng cao cấy một giống canh tác theo phương pháp SRI tại xã Phú Thượng; mô hình phát triển cây ăn quả theo quy trình ViệtGAP tại xã La Hiên; mô hình chăn nuôi gà lai Mía thả vườn theo hướng an toàn sinh học tại xã Bình Long… Các mô hình, dự án trên đã góp phần xóa đói giảm nghèo, chất lượng cuộc sống, mức sống của người dân không ngừng được nâng lên. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện luôn giảm từ 5% trở lên. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm trên 40% thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 21,9 %. Cùng với đó, công tác văn hoá, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

 

Quê hương Võ Nhai hôm nay đang bừng lên sức sống mới, Đảng bộ và nhân dân Võ Nhai vui mừng, phấn khởi và tự hào trước những đổi thay của quê hương. Vui mừng trước những đổi thay đó, hằng năm, cứ vào ngày thành lập chính quyền cách mạng (21-3), nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện lại nô nức tổ chức Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” để ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương; đồng thời, giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hoá, lịch sử, danh lam thắng cảnh và những tiềm năng của đất và người Võ Nhai đến mọi miền đất nước. Năm nay, Lễ hội diễn ra trong 2 ngày (20 và 21-3) với những hoạt động chính như: Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Địa điểm Đồn Đình Cả”, nơi thành lập tổ chức Đảng đầu tiên của huyện; giao lưu văn hóa, văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc... Ngoài ra, huyện còn tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống như: kéo co, bắn nỏ, chọi gà… và cắm trại văn hóa, phiên chợ ẩm thực vùng cao nhằm giới thiệu các sản vật, món ăn đặc trưng của huyện như: Bánh khảo, bánh đúc, rau rến, kẹo Khẩu Phéc, rượu gạo Đồng Tác, xôi tứ sắc, gạo bao thai Tràng Xá…