Hiệu quả mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn UTZ Certified

14:42, 12/03/2015

Chè là cây công nghiệp chủ lực, có giá trị kinh tế cao ở Thái Nguyên. Hiện, tổng diện tích chè toàn tỉnh 20.764ha, sản lượng chè búp tươi đạt 192.951 tấn.

Sản phẩm chủ yếu là chè xanh tiêu thụ nội địa, chế biến theo phương pháp thủ công, truyền thống chiếm khoảng trên 80% sản lượng. Hiện, ngành chè Thái Nguyên đang hướng tới xây dựng một nền sản xuất chè an toàn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, sản xuất theo hướng bền vững.

 

Từ năm 2011, được sự hỗ trợ của Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) tỉnh và Tổ chức phi chính phủ SOLIDARIDAD (Hà Lan), Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn UTZ Certified tại HTX Chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) với 37 hộ xã viên, diện tích 10,25ha, sản lượng trung bình đạt 28 tấn búp khô/năm. Khi triển khai thực hiện, 100% xã viên được đào tạo và hướng dẫn những kỹ năng thực hành sản xuất tốt, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, an toàn lao động... Nhờ vậy, các xã viên HTX Chè Tân Hương đã có sự thay đổi lớn trong tập quán sản xuất, quá trình trồng và chăm sóc đã áp dụng được những kỹ thuật tiên tiến, bón phân hợp lý, sử dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp, sản phẩm được thu hái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dư lượng hóa chất, lưu giữ và chế biến trong điều kiện vệ sinh... đảm bảo sản phẩm chè xuất ra thị trường an toàn nhất.

 

Từ năm 2013 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã triển khai Dự án xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo theo tiêu chuẩn UTZ Certified  trên vùng chè Tân Cương. Sau khi điều tra khảo sát địa điểm thực hiện Dự án, Ban chủ nhiệm Dự án đã lựa chọn, thành lập các tổ nhóm sản xuất chè tham gia vào thực hiện mô hình tại 3 xã với với tổng diện tích thực hiện 36,1ha với 93 hộ tham gia, trong đó xã Phúc Xuân 48 hộ với diện tích 12ha; xã Phúc Trìu 12 hộ, 8ha và xã Tân Cương 33 hộ với diện tích 16,2ha.

 

Cùng với đó là các hoạt động tập huấn đào tạo về thực hiện các quy định của UTZ Certified; đào tạo cho các thanh tra viên trong nhóm theo tiêu chuẩn UTZ Certified; đào tạo quy trình thực hành nông nghiệp tốt và an toàn lao động trong sản xuất cho các hộ nông dân với 600 lượt người tham dự… Thông qua lớp tập huấn đã giúp cho người sản xuất hiểu về chứng nhận UTZ Certified và lợi ích khi thực hiện chứng nhận; nắm bắt được cách thức khi triển khai quy trình trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn UTZ Certified để được cấp chứng nhận; từng bước thay đổi các hành vi, tập quán canh tác lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường nông thôn; phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người lao động; tạo ra sản phẩm chè an toàn, chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần tăng giá trị.

 

Đến cuối năm 2014, đã có 36,1ha chè với 93 hộ của ba xã Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương được cấp chứng nhận UTZ Certified với sản lượng đạt 83,84 tấn chè búp khô. Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Chủ nhiệm HTX Chè Tân Hương cho biết: Chứng nhận UTZ Certified chỉ có giá trị công nhận trong vòng 1 năm và năm 2014 là năm thứ ba HTX được cấp Chứng nhận này. Sản phẩm chè an toàn được chứng nhận của các xã viên HTX Chè Tân Hương bán ra thị trường cao hơn các vùng chè nguyên liệu khác (từ 20-30%) và nhu cầu tiêu thụ chè UTZ ngày càng cao: năm 2011, chỉ tiêu thụ được 5 tấn; đến năm thứ hai tiêu thụ được 10 tấn và 5 thứ ba tiêu thụ được 15 tấn với giá bán bình quân từ 200 nghìn đến 350 nghìn đồng/kg.

 

Với kết quả đạt được từ thực hiện Dự án xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo theo tiêu chuẩn UTZ Certified trên vùng chè Tân Cương, tỉnh ta đã và đang triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất vùng chè an toàn tỉnh làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao; xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt từ khâu sản xuất, đến thu hoạch và chế biến thành phẩm cuối cùng, gắn quy trình sản xuất với việc chứng nhận bởi các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo cho sản phẩm chè có chất lượng tốt và bền vững trên thị trường.