Hội thảo về chuyển dịch cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp

15:23, 26/03/2015

Ngày 26-3, UBND huyện Định Hóa đã tổ chức Hội thảo Dự án về chuyển dịch cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện, giai đoạn 2015-2020.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, giảng viên một số khoa thuộc Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên).

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được thông qua nội dung Dự thảo Dự án "Chuyển dịch cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp huyện Định Hóa, giai đoạn 2015-2020". Theo đó, mục tiêu của Dự án là góp phần tăng trưởng sản xuất nông - lâm nghiệp trong giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 7,5-8% cơ cấu giữa trồng trọt - Chăn nuôi - Dịch vụ tương ứng là 45-40-15%...  Dự án sẽ được triển khai trên phạm vi toàn huyện trong thời gian 5 năm (từ năm 2015 đến năm 2020) với các nội dung chủ yếu: hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt cao sản; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống và xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến chè chất lượng cao; hỗ trợ trồng rừng hỗn giao theo hướng bền vững và trồng rừng chất lượng cao; hỗ trợ trồng cây dược liệu. Dự toán tổng nguồn vốn thực hiện Dự án là 302,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 100 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của nhân dân.

 

Sau khi nghiên cứu các nội dung trong Đề án, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp vào từng phần, từng nội dung cụ thể trong Đề án: Đề án cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng trong sản xuất nông lâm - nghiệp của huyện để xác định được tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đối với nội dung hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò cao sản, các đại biểu cho rằng cần có chuyên gia tham gia tư vấn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Cần quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm qua hình thức liên kết giữa người chăn nuôi và các doanh nghiệp; đối với nội dung hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống và xây dựng các mô hình chè, các đại biểu cũng đề nghị huyện cần tập trung nâng cao chất lượng chế biến chè xanh gắn với việc đưa các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, đồng thời vận động, tập huấn người dân thay đổi cách chế biến chè; đối với việc trồng rừng hỗ hợp và cây dược liệu, cần tính toán thật kỹ việc đưa các loại giống cây trồng, vấn đề chuyển đổi những diện tích rừng trồng sẵn có và xây dựng đường để các phương tiện vào vận chuyển gỗ...