Hướng đến sản phẩm thu nhập cao

16:06, 26/03/2015

T.P Thái Nguyên hiện có 9.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 1/3 diện tích nằm dọc theo dòng sông Cầu. Nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh đất soi bãi giàu phù sa, những năm gần đây, Thành phố đã hướng người nông dân ở đây phát triển các sản phẩm nông nghiệp cho thu nhập cao.

Diện tích đất bãi ven sông Cầu tập trung ở các phường: Quang Vinh, Túc Duyên, Cam Giá, Cao Ngạn và Đồng Bẩm. Theo ông Ngô Danh Thùy, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng Thành phố để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Thành phố đang hướng bà con nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các giống cây phù hợp cho năng suất, chất lượng cao như lúa lai, ngô lai, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất hoa, rau, củ, quả cao cấp trồng trong nhà lưới, nhà kính, trồng giá thể… đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

Đi dọc bờ sông Cầu, đến những bãi đất canh tác của bà con phường Túc Duyên, chúng tôi nhận thấy không khí ở đây thật trong lành, thoáng đãng. Ông Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Túc Duyên. Diện tích đất nông nghiệp của phường hiện còn không nhiều (102ha), trong đó có 67ha đất trồng lúa, 35ha đất trồng màu, 3km đất bãi dọc theo bờ sông Cầu, tập trung ở các tổ (1, 11, 19, 20, 21, 22 và 23). Những năm gần đây, người dân trong phường đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây rau, màu mới (các loại hoa cao cấp: lily, tuy líp, huệ...; rau: húng, thì là, mướp đắng, cà chua...) vào sản xuất, thay thế dần các cây trồng kém hiệu quả nên giá trị sản xuất nông nghiệp của phường tăng gấp đôi. Năm 2010 là 40 triệu đồng/ha đến nay đã tăng lên 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm (năm 2010 chỉ đạt 20 triệu đồng/người/năm). Bà Lê Thị Minh, tổ 21 cho biết: Nhà tôi có trên 10 sào đất ven sông, cứ đến mùa nước lên, diện tích này lại được bồi đắp một lượng phù sa đáng kể nên trồng bất kỳ loại cây gì cũng đều xanh tốt. Trước kia, gia đình tôi cấy lúa nhưng thấy hiệu quả thấp, lại vất vả nên đã chuyển toàn bộ đất trồng lúa sang trồng hoa, màu. Hiện, gia đình đang trồng 3 sào mướp đắng, 2 sào hoa huệ và một số cây rau màu khác, trừ hết chi phí chúng tôi cũng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

 

Cũng dọc theo sông Cầu nhưng đi ngược lên xã Cao Ngạn, chúng tôi thấy hầu hết diện tích đất ở đây được bà con trồng các giống lúa lai, ngô lai và bí siêu ngọn... Chị Hoàng Thị Hòa, ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn cho biết: “Tôi trồng cấy ở đây được trên dưới 20 năm nay, vì được bồi phù sa nên đất rất tốt. Ngoài 6 sào ruộng của nhà, tôi còn thuê thêm 4 sào nữa để 2 vụ lúa và 1 vụ ngô, chủ yếu là lúa lai BTE-1 và ngô lai NK4300, trừ hết chi phí, gia đình có thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm”.

 

Được biết, xã Cao Ngạn có khoảng 4km chiều dài đất nông nghiệp dọc theo sông Cầu, tập trung ở các xóm Cổ Rùa, Vải, Gò Chè, Tân Phong, Hội Hiểu, Gốc Vối 1 và Gốc Vối 2. Anh Trương Đức Tâm, cán bộ khuyến nông xã cho hay: Nhận thấy chất đất ở đây mầu mỡ, rất thích hợp để trồng các loại cây rau màu nên xã thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông Thành phố đưa các giống mới cho năng cao, chất lượng tốt vào sản xuất phù hợp với đồng đất của địa phương, đồng thời mở các lớp tập huấn về kỹ thuật cho bà con. Nhờ đó, năng suất lúa của xã đạt 56tạ/ha, ngô đạt 43tạ/ha (năm 2014).

 

Đối với phường Cam Giá, diện tích đất soi bãi dọc theo sông Cầu của phường được bà con vẫn trồng các loại cây rau màu như: khoai, ngô, lạc... hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, phường đã quy hoạch để chuyển một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng đào tập trung. Vùng trồng đào phía thượng lưu và hạ lưu đập Ba Đa với diện tích khoảng 40ha nhằm đưa cây đào trở thành cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Thực tế cho thấy, trồng hoa màu dọc theo đất ven sông có một lợi thế không nhỏ: chất đất tốt, thích hợp với nhiều loại cây, bà con chủ động được nguồn nước tưới từ các trạm bơm. Tuy nhiên, người dân cũng cần tích lũy kinh nghiệm để ứng phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chủ động điều chỉnh khung thời vụ sao cho phù hợp, tránh mùa nước lên gây thiệt hại, mất trắng.