Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Thái Nguyên đã nắm bắt, nhìn nhận và chuẩn bị những gì khi nước ta sẽ hội nhập sâu rộng hơn trong năm nay, đặc biệt là sẽ trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm?
Liệu tất cả họ đã sẵn sàng và đủ tự tin bước vào “sân chơi” lớn? Năm nay dự kiến sẽ đánh dấu sự hội nhập rất sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với thế giới, ngoài AEC, nước ta sẽ tham gia một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hàng hóa và nguồn lực từ các nước đối tác sẽ đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn (do các ưu đãi về thuế) và ngược lại, các DN trong nước cũng có thêm cơ hội để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tìm kiếm đối tác. Sự hội nhập, dù ít hay nhiều sẽ tác động đến DN ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cơ hội và thách thức luôn song hành, điều quan trọng lúc này là các DN cần nắm bắt kịp thời và đầy đủ thông tin, chủ động đề ra những giải pháp cũng như chiến lược lâu dài để thích nghi với tình hình mới.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm nay, được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. AEC nhằm tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề trong ASEAN… |
Luôn cập nhật thông tin về tình hình hội nhập, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã sớm có kế hoạch “ứng phó” và sẵn sàng đón cơ hội mới. Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty thì khi hội nhập, các sản phẩm may mặc của Việt Nam nhập khẩu vào các thị trường là đối tác thương mại sẽ được ưu đãi lớn về thuế quan, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá.
Vì vậy, gần đây TNG liên tục mở rộng sản xuất, mở thêm các chi nhánh tại T.X Sông Công, huyện Phú Bình và Đại Từ (TNG Đại Từ vừa đi vào hoạt động từ đầu năm nay thu hút trên 500 lao động, đạt gần 1/3 công suất thiết kế). Công ty cũng đang tích cực chuẩn bị xây dựng chi nhánh may tại huyện Phú Lương và huyện Định Hóa, phấn đấu nâng tổng số lao động lên 12.000 người trong năm nay (nhiều hơn 2.000 lao động so với hiện tại).
Về dài hạn, ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ: Chúng tôi sẽ xây dựng tại mỗi huyện ít nhất một nhà máy may, tiếp tục phát triển theo chiều rộng. Bên cạnh đó, Công ty sẽ sớm xây dựng một trung tâm nghiên cứu thời trang, thiết kế mẫu mã nhằm sản xuất những sản phẩm may mặc mang thương hiệu TNG để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tự tin cạnh tranh với các thương hiệu ngoại đang xuất hiện ngày càng nhiều trong nước (hiện nay sản phẩm may xuất khẩu của Công ty đều mang các thương hiệu nước ngoài). Công ty cũng sẽ phát hành thêm cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ… Thách thức đáng kể nhất của hội nhập sâu rộng đối với ngành May trong đó có TNG là cạnh tranh về lao động. Chúng tôi cũng đã tính đến và đang ngày càng áp dụng những chế độ có lợi cho người lao động để giữ chân họ.
Là một đơn vị sản xuất cơ khí, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên nhận thấy nhiều thách thức hơn là cơ hội khi kinh tế nước nhà sẽ hội nhập mạnh mẽ trong năm nay, đặc biệt là sự kiện thành lập AEC. Công ty đang sản xuất nhiều sản phẩm cơ khí, trong đó có mặt hàng chiến lược là linh phụ kiện ô tô, xe máy. Các bạn hàng của Công ty là những hãng sản xuất, lắp ráp lớn thời gian gần đây luôn tạo ra sức ép về hạ giá thành sản phẩm và đưa ra một số yêu cầu khắt khe khác. Ông Vương Đình Dũng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Khi thành lập AEC, các đối thủ mạnh của chúng tôi là các nhà sản xuất của Thái Lan và In-đô-nê-xi-a vốn đã có tiềm lực lại được miễn thuế quan vào Việt Nam nên càng có lợi thế cạnh tranh. Đó là chưa kể sự cạnh tranh về lao động có tay nghề chắc chắn sẽ gay gắt hơn, bởi sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp cùng lĩnh vực đầu tư vào nước ta.
Nắm rõ những thách thức sắp tới, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên đã có sự chủ động nhất định, thực hiện nhiều giải pháp và đề ra chiến lược phát triển mới. Đó là tăng cường đầu tư hiện đại hóa sản xuất, (riêng năm 2014 Công ty đã đầu tư 50 tỷ đồng); thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm nhằm hạ giá thành sản phẩm. Cùng với đó, Công ty cũng tích cực nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mới theo nhu cầu của thị trường, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu và Nhật Bản (kim nghạch xuất khẩu chiếm khoảng 20% tổng doanh thu năm 2014 của Công ty)… Vì vậy, lãnh đạo đơn vị này khẳng định doanh nghiệp của họ không những sẽ trụ vững mà còn tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ và chủ động hội nhập như 2 đơn vị nêu trên. Kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 60%-80% DN Việt Nam không nắm rõ, thậm chí không hề biết về AEC, về các FTA mà nước ta sẽ ký kết trong năm nay, tức là họ không biết đến những cơ hội và thách thức đang chờ đợi chính mình. Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Văn Thời cho rằng, tình hình tại công đồng doanh nghiệp Thái Nguyên cũng không khác hơn nhiều, đó là điều thiệt thòi, thậm chí nguy hiểm đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp. Vì vậy, Hiệp hội sẽ tổ chức nhiều hơn những hội nghị, mời các chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan chức năng đến để phổ biến thông tin cho doanh nghiệp; tăng cường tình đoàn kết, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành tích cực hơn nữa trong việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp dân doanh, tăng cường tuyên truyền đối với các chủ doanh nghiệp …
Người viết bài này đã tiếp xúc với lãnh đạo một số doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn (không muốn nêu tên) và khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời từ họ, đại loại như: Chưa nghe, chưa hiểu bản chất, chưa biết gì nhiều… về AEC và các FTA sắp tới. Hội nhập sâu rộng được ví như luồng gió mang sinh khí mới cho nền kinh tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, nhưng có người nói vui rằng, đó cũng có thể là luồng gió độc với những doanh nghiệp có sức đề kháng kém.