Nâng cao đời sống của người dân ở Bảo Linh

18:43, 13/03/2015

So với các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bảo Linh (Định Hóa) lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra thì đến nay địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, Bảo Linh vẫn là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, hạ tầng nông thôn còn yếu… Đây là những vấn đề sẽ tiếp tục được Đảng bộ xã quan tâm lãnh đạo, có những giải pháp thích hợp, hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.

 

Nằm ở phía Tây Bắc của huyện Định Hóa (giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang), Bảo Linh thuộc nhóm các xã có điều kiện khó khăn nhất huyện: Hạ tầng giao thông hạn chế; địa hình đồi núi chiếm trên 90% diện tích tự nhiên; đất nông nghiệp hạn hẹp, cả xã có 608 hộ dân với trên 2.400 nhân khẩu nhưng chỉ có 128,8ha đất cấy lúa (trong đó nhiều diện tích cấy lúa cho năng suất lạc hậu). Trong khi đó, trình độ canh tác của người dân còn thấp, việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hạn chế. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 48,22%.

 

Vì vậy, công tác lãnh đạo phát triển sản xuất, xóa đói - giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân được Đảng ủy xã Bảo Linh xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Bí thư Đảng ủy Phan Văn Tuế cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi chỉ đạo gieo trồng hết diện tích, đảm bảo cơ cấu giống và thời vụ, khuyến khích người dân sử dụng các giống mới, cho hiệu quả kinh tế cao, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi nhằm tận dụng lợi thế diện tích đồi rừng lớn và bù đắp cho việc thiếu đất canh tác; quan tâm phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng và đàn vật nuôi.

 

Căn cứ vào đó, UBND xã và bộ phận chuyên môn đã cụ thể hóa bằng những kế hoạch, dự án, đề án phát triển sản xuất. Hằng năm, xã đề nghị và phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 8 đến 10 lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con (mỗi lớp có khoảng 30 người tham gia); rà soát, lập danh sách đề nghị cấp trên hỗ trợ các giống cây, con mới, phù hợp với địa phương, như chè cành, dê, lợn nái. Năm 2014, có 17 hộ nghèo của xã được hỗ trợ 34 con dê, 5 hộ được hỗ trợ 10 con lợn nái, 7 hộ được hỗ trợ trâu, bò và 8 hộ được hỗ trợ mua máy cày. Tư duy sản xuất của người dân vì vậy đã được cải thiện đáng kể, họ mạnh dạn áp dụng kỹ thuật và các giống mới vào sản xuất. Nếu như vài năm trước, phần lớn bà con chỉ quen trồng cấy các giống ngô, lúa truyền thống thì nay, tỷ lệ lúa lai đã chiếm trên 30% diện tích (chủ yếu là giống Syn6), các giống ngô lai được đưa vào trồng đại trà. 5 năm qua, người dân trồng mới được hơn 20ha chè cành (gấp 4 lần mục tiêu Nghị quyết), nâng tổng diện tích chè toàn xã lên 90ha.

 

Mặc dù năm 2011, dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn, số lượng trâu, bò giảm mạnh, nhưng sau đó đã phục hồi khá nhanh (toàn xã hiện có trên 500 con trâu, bò, tăng gần 200 con so với năm 2011), có những hộ dân chăn nuôi hàng chục con trâu như gia đình ông Nông Văn Thị (xóm Lải Tràn), gia đình ông Lý Văn Nguyên, xóm Đèo Muồng... Đặc biệt, mô hình chăn nuôi dê mới xuất hiện tại xã từ năm 2012 và đang được nhân rộng, từ 5 hộ ban đầu đến nay có gần 20 hộ dân trong xã nuôi dê với số lượng gần 500 con. Tổng đàn lợn cũng tăng khá nhanh, từ 1.560 con năm 2011 lên trên 3.200 con hiện nay, đạt 153% Nghị quyết.

 

Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 28,45%, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,1 triệu đồng/người/năm, tăng 5,6 triệu đồng so với năm 2011 (đạt mục tiêu Nghị quyết). Ngoài ra, địa phương cũng đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, Bảo Linh vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, đời sống của người dân vẫn còn thấp, ngoài 28,45% hộ nghèo thì 42% số hộ vẫn thuộc diện cận nghèo; còn 8 tiêu chí nông thôn mới chưa đạt; hạ tầng nông thôn vẫn yếu và thiếu. Được biết, Đảng bộ xã đang xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 (dự kiến tổ chức trong tháng 5), trong đó những vấn đề trọng tâm mà báo cáo đề cập tới tiếp tục là công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, nhất là chăn nuôi; tăng cường phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới.

 

Những vấn đề đó cũng đang được Đảng bộ xã chỉ đạo các chi bộ tập trung tìm giải pháp giải quyết trong nhiệm kỳ tới, sát với thực tế của địa phương. Ông Lý Văn Nguyên, Bí thư Chi bộ xóm Đèo Muồng (xóm có 98% số dân là đồng bào dân tộc Dao, tỷ lệ hộ nghèo còn tới gần 41%) cho biết: Đời sống của bà con khó khăn vì rất thiếu đất sản xuất, vì vậy Chi bộ đề ra phương hướng là phải tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi, nhất là trâu, bò, lợn và dê; tuyên truyền để người dân áp dụng kỹ thuật và các giống cây trồng mới, sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế…

 

Hy vọng, với việc xác định đúng trọng tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng xã Bảo Linh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, địa phương này, trong đó có xóm nghèo Đèo Muồng sẽ đạt những kết quả lớn hơn nữa trong 5 năm tiếp theo, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.