Trong những năm gần đây, huyện Phổ Yên đã dành diện tích đất không nhỏ cho các dự án phát triển công nghiệp, vì thế mà đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Tuy nhiên, điều này không hề làm sụt giảm sản lượng lương thực của toàn huyện. Đây là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Toàn huyện Phổ Yên hiện có khoảng 8.000ha đất nông nghiệp, giảm so với năm 2012 là 277ha. Trong đó, diện tích cấy lúa hiện tại có trên 4.000ha, còn lại là các loại rau màu. Nhằm nâng cao năng suất lúa, trong những năm qua, huyện luôn chú trọng tới việc phát triển cây lúa chất lượng cao, thông qua việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo, tập huấn ngay tại chân ruộng, xây dựng các mô hình để bà con có thể “mắt thấy tai nghe”. Việc tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được tổ chức thực hiện theo hướng gần cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các công ty sản xuất và cung ứng vật tư nông nghiệp. Phương pháp tập huấn kết hợp giữa việc học tập, trao đổi tọa đàm và thực tế sản xuất, phù hợp với khả năng tiếp thu và ứng dụng của người dân. Vì vậy, người trồng lúa ngày càng có nhận thức đúng đắn hơn về việc sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao.
Đặc biệt là việc đưa các giống lúa lai vào sản xuất, trong đó tập trung vào 5 giống chủ lực là: Syn 6, SL8H-GS9, Thịnh Dụ 11, BTM 1, TH 3-4. Riêng vụ Xuân năm nay, toàn huyện cấy được khoảng 1.000ha lúa lai, chiếm 25% diện tích. Cùng với việc phát triển lúa lai, huyện cũng chỉ đạo bà con cấy các giống lúa thuần chất lượng cao là: Hương Thơm số 1, TH9, Khang Dân đột biến thay vì tập trung vào cấy giống Bao Thai như trước đây. Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, huyện còn thực hiện các biện pháp gieo sạ cải tiến nhằm giảm lượng giống, chi phí vật tư và tăng giá trị sản xuất. Kết quả, đã đưa năng suất lúa bình quân của huyện từ 45 tạ/ha (trước năm 2010) lên gần 50 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực của huyện năm 2014 đạt trên 60,5 nghìn tấn, tăng 4% so với năm 2013.
Ngoài thâm canh tăng năng suất lúa, huyện đã tập trung mở rộng diện tích các loại rau màu, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để mở rộng diện tích rau màu, huyện đã thực hiện việc luân chuyển mùa vụ. Nếu như trước đây, phần lớn bà con đều cấy lúa mùa muộn, thì hiện nay 80% diện tích lúa toàn huyện được cấy lúa mùa sớm. Đồng thời, đẩy lùi thời vụ cấy lúa Xuân với 99% diện tích được cấy lúa Xuân muộn. Điều này nhằm mục đích giúp bà con thu hoạch, giải phóng đất, có thời gian gieo trồng rau màu vụ Đông. Nhờ thế mà trong những năm gần đây, diện tích rau màu không ngừng được mở rộng. Hiện toàn huyện có khoảng 1.300ha rau, tăng khoảng 20% diện tích so với năm trước, tập trung nhiều ở các xã: Đông Cao, Ba Hàng, Nam Tiến, Hồng Tiến.
Những ngày giữa tháng ba, cánh đồng rau thuộc xóm Việt Hồng, xã Đông Cao càng mơn mởn căng tràn sức sống. Mầu xanh của các loại cải, tím của xà lách, đỏ rực của cà chua… tựa như những tấm thảm được lắp ghép đan xen đa sắc mầu trông thật đẹp mắt. Ông Nguyễn Văn Mão, Trưởng xóm cho biết: Việt Hồng là vùng rau tập trung lớn của huyện, bà con xóm Việt Hồng làm rau từ nhiều năm trước. Nhưng trước đây, mỗi nhà chỉ trồng 1-2 sào, chủ yếu là các loại: Su hào, bắp cải, rau cải, cà chua, hành… cung cấp cho bà con trong xóm và các xóm lân cận. Qua thời gian tích lũy kinh nghiệm, bà con vừa làm rau giống bán, vừa trồng rau thương phẩm, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế. Không chỉ trồng các loại rau truyền thống, bà con còn đưa các loại rau mới như: Xà lách tím, củ cải tím, cần tây… vào sản xuất. Hiện thị trường tiêu thụ của sản phẩm rau Việt Hồng không chỉ bó hẹp ở các xã lân cận mà đã cung cấp được cho các chợ đầu mối của huyện, một số sản phẩm còn cung cấp cho các nhà hàng ở Hà Nội. Nhờ đó đã không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích đất canh tác.
Theo hạch toán của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì hiện nay, những cánh đồng mang lại 100 triệu đồng/ha không còn là hiếm thấy ở Phổ Yên. Điển hình như cánh đồng mẫu lớn thuộc xã Tân Hương, cánh đồng rau ở Ba Hàng, hoa ở Nam Tiến… Từ con số hạch toán trên, có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phổ Yên đã, đang có những hướng đi tích cực, giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, đưa giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác từ 47 triệu đồng/ha (năm 2008) lên 86,6 triệu đồng/ha năm 2014, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.