Phát triển kinh tế từ các mô hình của Hội Phụ nữ

08:56, 10/03/2015

Nhằm giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, những năm gần đây, Hội Phụ nữ xã Đông Cao (Phổ Yên) đã tập trung thực hiện tốt việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế.

Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế ở địa phương. Chị Trần Thị Hiệu, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đông Cao cho biết: Nhằm xây dựng các mô hình và hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế đạt hiệu quả, hằng năm, các chi hội đã tiến hành khảo sát về đời sống, nhu cầu của hội viên phụ nữ đối với việc phát triển kinh tế gia đình. Thông qua việc đánh giá, phân loại hộ hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào: “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Đặc biệt, chị em luôn tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới, các hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đây là một trong những yếu tố quyết định thành công của mô hình.

 

Hội phụ nữ xã Đông Cao hiện có 24 chi hội với gần 1.600 hội viên. Những năm gần đây, địa phương đã dành phần lớn diện tích cho các dự án phát triển công nghiệp, nên đất canh tác của xã ngày càng bị thu hẹp. Hiện toàn xã chỉ còn trên 370ha đất nông nghiệp, trong đó 305ha là đất cấy lúa, còn lại là đất trồng màu nên bà con phải tính toán căn cơ xem trồng cây gì, trồng như thế nào để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Có lẽ vì lý do này mà Đông Cao luôn là địa phương đi đầu trong việc đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Một trong những mô hình hiệu quả đó là mô hình trồng rau của gia đình hội viên phụ nữ Hoàng Thị Hiền, xóm Việt Hồng. Đến thăm mô hình trồng rau của gia đình chị, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước diện tích xà lách tím và củ cải tím giống của Nhật Bản đang chuẩn bị cho thu hoạch. Chị Hiền cho biết: Gia đình tôi có 4 sào đất, trước tôi vẫn chuyên làm các giống rau như: Su hào, bắp cải, cà rốt, rau cải các loại… để bán cho bà con địa phương. Từ năm 2010, được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật, ngoài việc làm rau giống, tôi đã dành một phần diện tích và nhập giống xà lách tím và củ cải tím về trồng. Đây là 2 loại cây chưa từng trồng ở địa phương. Sau lứa đầu trồng thử nghiệm, tôi nhận thấy đây là loại rau, củ dễ trồng, năng suất và giá thành cao, đặc biệt là không bị nhiễm sâu bệnh nên không phải sử dụng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ với một luống xà lách tím, gia đình tôi đã thu được trên 7 tạ, bán được 35 triệu đồng. Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng 10 tôi bắt đầu trồng, 60 ngày/ lứa, thu hoạch xong tôi lại tiếp tục trồng (cả vụ đông trồng 3 lứa), thu được gần 100 triệu đồng. Riêng đối với củ cải tím chỉ mất 30 ngày/lứa nên mỗi vụ có thể trồng đến 5-6 lứa, với giá hiện tại 50.000 đồng/kg, mỗi vụ cũng cho gần 100 triệu đồng.

 

Rời cánh đồng rau Việt Hồng, chúng tôi tiếp tục đến thăm mô hình trồng bí hồ lô nhỏ tại xóm Soi. Bê những thúng bí nây nây trái vừa cắt về xếp vào góc sân, chị Hoàng Thị Mão cho biết: Trước đây trên diện tích 2 sào đất bãi của gia đình, tôi cũng trồng bí đỏ nhưng là giống bí đỏ tròn, to thông thường, nhưng vụ Đông năm 2014, được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, tôi đã tham gia đưa giống bí đỏ hồ lô nhỏ này vào trồng thay thế thì thấy năng suất đạt 4 tạ/sào. Đặc biệt, loại bí này rất dễ bán, giá lại cao, hiện tại giá bán là 8.000 đồng/kg, gấp 1,5 lần so với giống bí đỏ thông thường.

 

Ngoài các mô hình trên, trong vài năm trở lại đây Hội Phụ nữ xã còn triển khai nhiều mô hình khác như: Mô hình nuôi gà đẻ trứng, nuôi lợn thịt, trồng rau sạch trong nhà lưới, cấy lúa lai, lúa cao sản… Những mô hình kinh tế này đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ hội viên và đến nay đã được nhân ra rộng khắp trên các cánh đồng của xã.

 

Không chỉ triển khai thực hiện các mô hình kinh tế có hiệu quả, nhằm giúp chị em có điều kiện tham gia các mô hình, phát triển kinh tế gia đình, Hội còn đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư làm kinh tế. Trong 5 năm trở lại đây với số tiền quay vòng gần 21 tỷ đồng, đã có 947 lượt hội viên được vay nguồn vốn ưu đãi này. Qua đó, đã khuyến khích chị em tích cực hơn trong việc nhân rộng các mô hình tại gia đình, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế. Những mô hình phụ nữ phát triển kinh tế này không chỉ mang lại hiệu quả trực tiếp cho các hội viên tham gia mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là hội viên, phụ nữ và con em hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Nhờ đó, tỷ lệ hộ hội viên phụ nữ nghèo tại địa phương giảm xuống đáng kể qua các năm. Đến nay, xã còn 43 hộ hội viên phụ nữ nghèo, giảm 46 hộ so với năm 2011. Ngày càng có nhiều hộ phụ nữ làm chủ vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đưa phong trào phụ nữ ngày càng triển khai sâu rộng và hiệu quả, đồng thời góp phần tích cực vào kết quả giảm từ 224 hộ nghèo, 117 hộ cận nghèo năm 2011 xuống còn 95 hộ nghèo và 93 hộ cận nghèo năm 2015 ở xã.