Đó là điều chị Nông Thị Hợp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Yên Lãng (Đại Từ) nhấn mạnh với chúng tôi khi nói về bí quyết để gây dựng phong trào phụ nữ tại địa phương.
Nhờ tạo được sự đoàn kết, thống nhất, thời gian qua, phong trào phụ nữ ở xã Yên Lãng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chị Nông Thị Hợp cho biết: Yên Lãng là một xã miền núi có địa bàn rộng, dân cư đông phân bố ở 30 xóm. Để phong trào phụ nữ phát triển, Hội LHPN xã đã xác định cần phải tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong hội viên. Từ đầu mỗi năm, chúng tôi đều triển khai kế hoạch hoạt động đến từng hội viên; lắng nghe ý kiến của chị em để xem xét, chỉnh sửa nếu kiến nghị đó phù hợp. Bất cứ hoạt động, chương trình nào, chúng tôi cũng tổ chức bàn bạc, tham khảo ý kiến của các hội viên trước khi đưa vào thực tế. Hội LHPN xã hoạt động theo phương châm “2 được, 4 rõ” (nói được, làm được; rõ định hướng của Hội cấp trên, rõ chỉ đạo của cấp uỷ địa phương, rõ chức trách nhiệm vụ được giao, rõ về tư tưởng và nhu cầu của hội viên. Nhờ đó, các hoạt động của Hội LHPN xã đều được thực hiện thuận lợi, đạt được hiệu quả cao.
Để chứng minh cho sự đoàn kết của chị em phụ nữ trong xã, chị Hợp dẫn chúng tôi đến thăm đồi chè của gia đình chị Nguyễn Thị Hiên, ở xóm Tiền Phong. Tại đây, các chị em trong Chi hội Phụ nữ xóm đang tập trung thu hái chè. Được biết, đây là hoạt động đổi công hái chè đã được Chi hội Phụ nữ xóm Tiền Phong duy trì từ lâu, trở thành một trong những hoạt động nhận được nhiều sự ủng hộ nhất từ phía chị em. Chị Hiên cho biết: Gia đình tôi đang trồng khoảng 5 sào chè, trong khi chỉ có 2 lao động chính. Nếu không có các chị em trong Chi hội Phụ nữ xóm giúp đỡ, tôi sẽ phải mất thêm một khoản chi phí không nhỏ để thuê nhân công. Không chỉ riêng việc hái chè đổi công mà trong mọi công việc, chị em phụ nữ ở xóm chúng tôi đều đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Chị Ngô Thị Tăng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Tiền Phong cho biết: Mỗi khi có chương trình, hoạt động của hội phụ nữ các cấp, chúng tôi đều tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của chị em để triển khai thực hiện cho phù hợp với thực tế tại địa phương. Chúng tôi đã phân 61 hội viên của Chi hội thành 6 nhóm nhỏ theo địa bàn dân cư. Mỗi khi có một hội viên nào đó chưa rõ hoặc không đồng tình với các hoạt động của Chi hội, các thành viên còn lại trong nhóm có trách nhiệm giải thích, phân tích rõ ràng để người hiểu và thực hiện.
Còn ở xóm Trung Tâm, chị Nịnh Thị Đào, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm chia sẻ: Là chi hội có đa số hội viên hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, kinh doanh ở các địa bàn khác nên cơ hội để chị em giao lưu, chia sẻ với nhau tương đối hạn chế. Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, chúng tôi thường tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện để chị em có cơ hội trao đổi, chia sẻ với nhau về các vấn đề trong cuộc sống. Cùng với đó, chúng tôi cố gắng duy trì các hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ, thể thao vào các buổi chiều, tối. Từ đó, hội viên trong chi hội đã có mối quan hệ gắn bó với nhau hơn, đoàn kết, thống nhất trong các công việc chung.
Nhờ tạo được sự đoàn kết, thống nhất từ tư tưởng đến hành động, từ nhiều năm nay, xã Yên Lãng luôn là lá cờ đầu trong phong trào phụ nữ của huyện Đại Từ. Thực hiện nhiệm vụ giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo bền vững, hàng năm, Hội LHPN xã Yên Lãng đã tích cực đẩy mạnh việc tín chấp giúp gần 300 lượt hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách và Xã hội mỗi năm với tổng số dư nợ tính tới thời điểm hiện tại là 5,3 tỷ đồng. Song song với đó, những năm qua, Hội đã làm tốt việc vận động chị em phụ nữ giúp đỡ các hội viên nghèo bằng cách cho vay tiền, con giống, giúp đỡ ngày công lao động… Chỉ tính riêng trong năm 2014, các hội viên Hội LHPN xã Yên Lãng cho các hộ nghèo trong xã vay không tính lãi trên 132 triệu đồng. Cùng với đó, 30 Chi hội Phụ nữ của xã đã tiết kiệm được trên 84 triệu đồng để cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, Hội đã giúp đỡ 119 hộ nghèo trong xã và tính đến hết năm đã có 38 hộ thoát nghèo. Hiện nay, ở xã đã có thêm nhiều mô hình kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ hộ, tiêu biểu như: mô hình trồng chè cành của chị Lâm Thị Lợi, ở xóm Yên Tư, mỗi năm, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng; mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình chị Triệu Thị Liên, ở xóm Đồng Trã, cho thu lãi trên 60 triệu đồng/năm, các mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm, ấp vịt giống, ở xóm Quyết Thắng, Đoàn Kết, Nhất Trí… Trong năm, hội viên phụ nữ trong xã đã tình nguyện hiến khoảng 4.000m2 đất, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng gần 1 km đường bê tông liên xóm. Toàn xã hiện có 28 câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, 20 chi hội nòng cốt bảo vệ môi trường nông thôn, 3 câu lạc bộ phòng chống ma túy từ gia đình, 2 câu lạc bộ không sinh con thứ 3… Nhờ vậy, đã góp phần hạn chế tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông phát sinh, góp phần giữ gìn an ninh - trật tự ở địa phương…