Ngày 3-3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp tỉnh. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp tỉnh chủ trì Hội nghị.
Vụ xuân năm 2015, toàn tỉnh gieo cấy ước đạt 27.700 ha, bằng 95,5% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa lai ước đạt 7.395 ha, chiếm 16,5% diện tích; diện tích lúa thuần chất lượng cao ước đạt 4.000 ha, chiếm 13,8% diện tích gieo cấy. Về các loại cây màu: diện tích ngô ước đạt 3.130ha; khoai lang: 750ha…
Về lĩnh vực chăn nuôi thú y: đến thời điểm giữa tháng 2 vẫn duy trì ổn định, tổng đàn trâu, bò đạt khoảng 107.805 con, tăng 2,67% so với cùng thời điểm năm 2014; trong đó đàn trâu dự ước là 71.285 con, tăng 1,83% con so với cùng kỳ; đàn bò dự ước khoảng 36.520 con, tăng 4,34% so với cùng thời điểm; đàn lợn 530.250 con, tăng 3,97%; đàn gia cầm dự ước 8,62 triệu con, tăng 13,83% so với cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn ổn định, đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng phát trienr tốt, đến nay chưa phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, bệnh tai xanh, bệnh dại chó. Về lâm nghiệp, năm 2015, toàn tỉnh có kế hoạch trồng 5.530 ha rừng, hiện 15,2 triệu cây giống đủ điều kiện xuất vườn; các địa phương trong tỉnh đã thiết kế được 80% diện tích trồng rừng.
Công tác thủy lợi cũng được chú trọng, ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra công tác trữ nước của các hồ chứa, nguồn nước của các công trình đập dâng bảo đảm đủ nước gieo cấy vụ xuân và mở nước phục vụ sản xuất theo lịch gieo cấy. Đồng thời bảo vệ và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi cấp nước cho sản xuất và phòng, chống hạn cho lúa xuân.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay thời tiết ấm nên đã tác động đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Ngành Nông nghiệp có văn bản hướng dẫn tới các địa phương tiến hành kiểm tra, đánh gia mức độ sinh trưởng của các trà lúa, ruộng lúa có nguy cơ cao kết thúc sự sinh trưởng dinh dưỡng sớm, khả năng trổ bông trước ngày 25/4 dương lịch. Vì thế cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân tiến hành xử lý ngay bằng các biện pháp chăm sóc: giữ nước nông trên mặt ruộng, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh, bón lượng đạm cao hơn so với các chân ruộng khác từ 10-15% và bón rải làm nhiều đợt nhằm kéo dài thời gian sinh trưởng của lúa. Cùng với đó là chăm sóc, chuẩn bị cây giống phục vụ trồng rừng; triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm…