Năm 2014, huyện Phú Bình đã triển khai nhiều mô hình, dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống với tổng kinh phí thực hiện trên 1,3 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí trên tập trung thực hiện các mô hình trồng thử nghiệm các giống lúa mới như: Lúa lai BTE1, Thịnh Du… và hỗ trợ các hộ tham gia dự án nuôi bò Zebu, mô hình chăn thả gà an toàn sinh học và thâm canh thủy sản.
Ngoài triển khai các mô hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Trong năm đã tiến hành được 450 lớp tập huấn với gần 28 nghìn lượt người tham dự. Các lớp tập huấn tập trung chuyển giao thâm canh lúa lai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, cuối năm 2014, gà đồi Phú Bình là sản phẩm chăn nuôi đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, mở ra cơ hội lớn đối với những hộ chăn nuôi gà ở Phú Bình.
Năm 2015, huyện đề ra mục tiêu tiếp tục quảng bá mạnh cho thương hiệu sản phẩm gà đồi Phú Bình và Lúa nếp vải Thầu Dầu với các nội dung cụ thể, đó là: Tuyên truyền quảng bá thương hiệu, xây dựng chuỗi sản phẩm từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ. Đăng ký xác lập sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm “gà đồi Phú Bình”. Mặt khác, sẽ xây dựng bảo hộ một số sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương của các làng nghề, hộ sản xuất như: Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa ở xã Dương Thành; sản phẩm Tương làm từ lúa nếp Thầu Dầu, xã Úc Kỳ, sản phẩm Mật ong ở xã Tân Thành và Trám đen ở xã Hà Châu… để nâng cao giá trị của các sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.