Dịp Tết Nguyên đán, một lượng lớn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Phú Bình đã được giết mổ, chế biến thực phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Do đó, hiện nay các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đang tích cực tái đàn và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ông Lê Xuân Bảy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 237 trang trại và hơn 1.000 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ước tính, trong dịp Tết Nguyên đán, huyện đã tiêu thụ khoảng 2 triệu con gia cầm (chủ yếu là gà); trên 100 nghìn con lợn thịt. Nhờ hoạt động chăn nuôi trong năm phát triển tốt, người dân tích cực chăm sóc đàn vật nuôi nên nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu người dân và phục vụ xuất bán cho các thương lái, nhà hàng, siêu thị...
Để việc tái đàn gia súc, gia cầm của người dân sau Tết được thuận lợi và đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngành Nông nghiệp huyện đã rà soát, thống kê tổng đàn vật nuôi; xây dựng quy mô và cơ cấu đàn phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương cũng như các trang trại và gia trại. Cùng với đó, ngay từ những tháng đầu năm 2015, ngành đã tập trung tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi chủ động trong việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường xung quang trang trại, cơ sở chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm.
Đồng thời, khuyến cáo người dân tránh tái đàn ồ ạt và lựa chọn con giống ở các cơ sở đảm bảo chất lượng nhằm kiểm soát được nguồn bệnh, tránh gây thiệt hại khi bước vào vụ chăn nuôi mới. Một vài năm trở lại đây, điều kiện khôi phục đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình đã có nhiều yếu tố thuận lợi. Toàn huyện có trên 60 cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm, đa dạng về chủng loại và giá cả hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu về con giống cho các hộ chăn nuôi. Những ngày này, người chăn nuôi trên toàn huyện đang tích cực vệ sinh chuồng trại, chủ động tái đàn để nhanh chóng ổn định đàn vật nuôi.
Đến thăm cơ sở chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Long, một trong những chủ trang trại lớn tại xóm Chùa, xã Hà Châu đúng lúc gia đình ông đang nhập con giống, chuẩn bị cho vụ chăn nuôi mới. Ông Long cho biết: “Dịp Tết vừa qua, gia đình tôi đã cung cấp ra thị trường hơn 4 tấn lợn hơi, thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Sau Tết, tôi đã thực hiện rắc vôi khử trùng và vệ sinh khu chuồng trại với diện tích trên 300m2 để chăn nuôi khoảng 200 con lợn thịt. Do chủ động được con giống từ 15 con lợn nái nên trong quá trình chăn nuôi, trang trai của gia đình tôi chưa xảy ra dịch bệnh lớn, đàn lợn luôn khỏe mạnh, phát triển nhanh. Hằng năm, sau khi trừ các khoản chi phí tôi thu lãi trên 100 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng khu chăn nuôi thêm 150m2 để chăn thả khoảng 500 con gà thịt, nhằm tăng thêm thu nhập”.
Còn chị Ngô Thị Hoàng Lan, một hộ chăn nuôi gà lâu năm ở xóm Ngọc Lý, xã Tân Đức cho biết: “Để chuẩn bị cho vụ chăn nuôi mới này, tôi chủ yếu lựa chọn giống gà Ri, mía lai, J-dabaco với số lượng trên 500 con. Đây là những giống gà gia đình tôi bán rất chạy trọng dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trước tình hình thời tiết không thuận lợi do mưa nhiều, để bảo vệ cho đàn gà, gia đình tôi đã che chắn chuồng trại cẩn thận, sử dụng trấu lót dưới nền chuồng và thắp bóng điện cả ngày để giữ ấm cho đàn gà. Ngoài ra, tôi còn được cán bộ thú y xã khuyến cáo nên cho gà uống thêm một số loại vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá gà giống không có nhiều biến động, cụ thể: Giá gà J-Dabaco khoảng 12 nghìn đồng/con, gà mía lai dao động từ 8-10 nghìn đồng/con... Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân chúng tôi mạnh dạn tái đàn, sớm ổn định đàn vật nuôi”.
Ông Lê Xuân Bảy cho biết thêm: Năm 2015, huyện Phú Bình phấn đấu duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định ở mức trên 3,5 triệu con. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, ngành chức năng huyện cũng như các địa phương cần tích cực quan tâm, chỉ đạo các hoạt động tái đàn, chăm sóc bảo vệ đàn vật nuôi.
Đồng thời, Trạm Thú y huyện đã chuẩn bị khoảng 40 nghìn liều vắc xin các loại nhằm tổ chức tốt 2 đợt tiêm phòng một số dịch bệnh như: dịch tả lợn, newcastle gà, lở mồm long móng, ..., đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi đạt trên 90%. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai tốt các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường, tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm. Cùng với đó, người chăn nuôi cũng nên chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, tích cực chuyển hướng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.