Dù đã là cuối mùa xuân nhưng những luống rau thì là vẫn xanh mướt trên đồng đất Túc Duyên (T.P Thái Nguyên). Trước đây, loại rau này chỉ được trồng ở vụ đông – xuân, thì nay đã được trồng quanh năm.
Nhờ trồng trái vụ nên mỗi mớ rau thì là có thể bán với giá cao gấp 4 -5 lần so với trồng chính vụ. Nếu trồng chính vụ, mỗi mớ rau thì là chỉ bán được 500 đồng nhưng vào thời điểm trái vụ sẽ bán được với giá 2.000 đồng. Anh Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Túc Duyên cho hay: Người dân Túc Duyên mạnh dạn trồng rau trái vụ là do bà con đã biết đầu tư nhà lưới để bảo vệ cây trồng. Có nhà lưới, rau ít sâu bệnh, tránh được mưa, nắng, giá rét nên lên xanh tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn. Để bà con nắm được kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới, hằng năm, phường phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho các hộ dân trồng rau tham gia.
Trên thực tế, đầu tư làm nhà lưới không quá tốn kém. Tùy theo điều kiện của từng gia đình, nông dân có thể đầu tư từ 5 đến 30 triệu đồng/sào để làm nhà lưới (gồm cây que, cột bê tông, tấm lưới...). Theo chia sẻ của ông Phạm Viết Trung, một hộ trồng rau ở tổ 20 thì kinh phí đầu tư càng lớn, sức bền của nhà lưới càng dài lâu. Nếu đầu tư 5 triệu đồng/sào nhà lưới, sẽ sử dụng được khoảng 3 năm và đầu tư số tiền cao hơn thì sẽ sử dụng dài lâu hơn. Từ những hiệu quả của việc trồng rau nhà lưới nên 7 năm trước, cả phường chỉ có một vài hộ làm nhà lưới (do học được từ các chuyến đi thực tế ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), đến nay, đã có gần 40 hộ sản xuất rau trong nhà lưới (chiếm 10% số hộ trồng rau của địa phương), tập trung ở các tổ 20, 21, 22 và 23. Hộ ít sản xuất khoảng 1-2 sào rau trong nhà lưới, hộ nhiều, sản xuất khoảng 3-5 sào, mỗi sào cho thu nhập khoảng 100-200 triệu đồng/năm.
Hiệu quả từ sản xuất rau trong nhà lưới ở Túc Duyên đã minh chứng cho sự thành công của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, những năm qua, người dân trong tỉnh đã mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI; quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) đối với chè, cây ăn quả; đưa các giống lúa lai, ngô lai, chè cành giống mới, giống vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất... Nhờ đó, hiện, diện tích lúa lai của Thái Nguyên đã tăng lên, hiện đang chiếm khoảng 20% trong tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm, tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Diện tích ngô lai cũng đạt 98-99%; diện tích chè giống mới chiếm 50-60%. Toàn tỉnh có tới 548 trang trại chăn nuôi với các giống vật nuôi năng suất, chất lượng như lợn hướng nạc, gà lai mía...
Khi đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng lên, kéo theo sản lượng ngô, lúa; thịt gia súc, gia cầm và giá trị thu được từ sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên. Năm 2014, sản lượng lương thực của tỉnh đạt gần 450 nghìn tấn, vượt 6,7% so với kế hoạch đề ra; sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt gần 96 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước...
Có thể thấy, những năm qua, tỉnh đã quan tâm tới việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nhiều mô hình, dự án chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã được triển khai thực hiện (trung bình mỗi năm khoảng 15 đến 30 mô hình được thực hiện bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh hoặc lồng ghép với các chương trình, dự án của Trung ương). Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, Thái Nguyên vẫn chưa có các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, với lợi thế có lực lượng lao động trong nông nghiệp dồi dào; có nơi đào tạo cán bộ cho ngành Nông nghiệp (Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên), tỉnh có nhiều điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là khoa học công nghệ cao được coi là nhu cầu bức thiết, là giải pháp trọng tâm để ngành Nông nghiệp đổi mới kịp thời, ngày càng hiện đại hóa và hội nhập. Do đó, để có khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trước hết, tỉnh ta cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung; đào tạo được nguồn nhân lực (công nhân, nông dân). Đặc biệt, tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, môi trường); cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh những chính sách thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, nhất là các doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất nông nghiệp nói chung, vào sự ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp nói riêng nhằm tạo ra chuyển biến thực sự, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, xây dựng thương hiệu...