Võ Nhai tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất

16:13, 27/03/2015

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đã có những bước tiến đáng kể. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện còn tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm tăng hệ số sử dụng đất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Đến Võ Nhai những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí sản xuất vụ xuân hết sức khẩn trương, nhộn nhịp của bà con nông dân. Mặc dù là huyện vùng cao nhưng trên khắp các cánh đồng, hầu hết nông dân đều sử dụng máy cày, máy bừa để làm đất sản xuất. Hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” rất hiếm gặp. Tại cánh đồng xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), mặc dù đã gần 12 giờ trưa nhưng bà con nông dân vẫn đang tất bật cày bừa, gánh phân, cấy lúa, phát cỏ bờ… Tiếng máy cày, máy bừa nổ rền vang. Trò chuyện với chúng tôi, anh Dương Như Hòa cho biết: Vụ nào gia đình tôi cũng cấy hơn 1 mẫu lúa. Trước đây cày, bừa bằng trâu phải mất hơn 1 tuần, nhưng từ ngày có chiếc máy cày, tôi chỉ làm 3 buổi là xong, vừa tiết kiệm được thời gian lại vừa nhàn hơn trước rất nhiều. Không riêng gia đình tôi mà rất nhiều bà con ở đây đã đầu tư mua máy cày, máy gặt đập, bơm nước, máy tẽ ngô… để giảm công lao động trong sản suất. Trâu, bò bây giờ hầu hết chỉ nuôi để lấy thịt chứ không mấy gia đình dùng làm sức kéo như trước nữa.  

 

Ông Nông Văn En, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng cho biết: Với đặc thù là xã vùng cao, diện tích đất nông nghiệp ít (khoảng 360ha) lại phân bố nhỏ lẻ và thường gặp khó khăn về thủy lợi nên ngoài việc khuyến khích người dân mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng mới, phù hợp vào sản xuất, xã còn chỉ đạo người dân tăng cường đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, từng bước nâng cao năng suất cây trồng. Khoảng 5 năm trở lại đây, máy móc nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều trên các thửa ruộng của bà con nông dân. Nhờ vậy, năng xuất cũng như sản lượng cây trồng trên địa bàn xã ngày càng tăng. Đời sống của người nông dân từ đó cũng ổn định hơn.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn huyện Võ Nhai có gần 6.000 chiếc máy cày, máy kéo các loại; 762 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ; 360 máy phun thuốc trừ sâu bơm tay; hơn 1.000 máy bơm nước; 1.200 máy tẽ ngô; 312 máy đập lúa; 20 máy gặt đập liên hợp; 552 máy cắt cỏ… Ngoài ra, các loại máy nông cụ khác như: Máy tuốt lúa, máy xay xát mini, máy thái chuối.... cũng ngày càng trở nên phổ biến. Nếu như năm 2009, diện tích đất nông nghiệp được làm bằng máy của huyện chỉ chiếm khoảng 25%, diện tích thu hoạch bằng máy là 10% thì đến nay, toàn huyện có trên 90% diện tích đất nông nghiệp được cơ giới hóa và gần 50% diện tích thu hoạch bằng máy. Riêng tại một số xã như: Vũ Chấn, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Bình Long có gần 100% diện tích sản xuất lúa được làm đất và thu hoạch bằng cơ giới. Việc áp dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất không chỉ giải phóng sức lao động cho người nông dân mà còn làm giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng và mùa vụ, song vẫn đảm bảo về diện tích gieo trồng và đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ. Trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích gieo cấy lúa hằng năm của huyện Võ Nhai đều vượt so với kế hoạch từ 10-20%; diện tích lúa gieo xạ bằng máy tăng từ 5% (2009) lên 20% (năm 2014); năng xuất lúa bình quân tăng từ 45 tạ/ha lên 51 tạ/ha…

 

Đồng chí Đào Xuân Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của huyện, trong những năm gần đây, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức trình diễn các loại máy móc nông nghiệp để người dân được tiếp cận và sử dụng những loại máy hiện đại nhất. Từ năm 2006 đến nay, huyện đã triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ tiền cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số mua được tổng cộng 1.727 chiếc máy móc các loại gồm: 584 máy cày, 894 máy bơm nước; 10 máy đốn chè… Riêng năm 2014, số máy móc hỗ trợ cho người dân thông qua các chương trình, dự án là 339 chiếc. 

 

Có thể thấy, việc đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở Võ Nhai đang là tiền đề quan trọng để huyện hướng đến mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung với mục tiêu tăng năng suất, giá trị kinh tế, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân. Thời gian tới, huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh hơn nữa việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, tận dụng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để giúp nông dân có điều kiện mua sắm máy móc sản xuất; đồng thời, chú trọng đến công tác phát triển đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương để việc đưa máy móc vào đồng ruộng được thuận lợi hơn.