Xử lý nợ xấu: “Độc chiêu” của BIDV

08:39, 25/03/2015

Nói đến xử lý nợ xấu của ngân hàng, phần lớn mọi người vẫn nghĩ đó là việc các ngân hàng bán đi tài sản thế chấp của bên nợ để thu hồi vốn. Nhưng với BIDV Chi nhánh Thái Nguyên thì vấn đề không đơn thuần chỉ có vậy. Câu chuyện xử lý nợ tại Công ty CP Phát triển Việt Thái ở phường Cải Đan, T.X Sông Công là một ví dụ…

Người trong cuộc nói gì?

 

Giữa năm 2011, Công ty CP Phát triển Việt Thái (chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi) gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành cộng thêm việc nhà xưởng bị cháy thiệt hại hàng tỷ đồng, khiến Công ty đứng bên bờ vực phá sản. Không những thế, sau hơn 2 tháng ngừng hoạt động để sửa chữa nhà xưởng, máy móc, lượng khách hàng của Công ty đã giảm khoảng 50% và tiếp tục xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo, có lúc lên tới 80%, khiến việc trả nợ ngân hàng của Công ty gặp không ít khó khăn. Và đến cuối năm 2012, một trong 2 ngân hàng mà Công ty đang có quan hệ tín dụng chủ yếu, với số nợ trên 14 tỷ đồng đã đưa Công ty vào danh sách nợ xấu nhóm 5 (nhóm cao nhất) - điều này đồng nghĩa với việc Công ty sẽ rất khó khăn, thậm chí là không có khả năng vay vốn ở bất cứ ngân hàng nào. Tuy nhiên, BIDV Chi nhánh Thái Nguyên đã không làm vậy. Và cũng chính nhờ có BIDV đồng hành nên Công ty mới có sự ổn định và đang lấy lại đà phát triển - anh Hoàng Quang Toản, Giám đốc Công ty chia sẻ.

 

Anh Toản cho biết thêm: Vào thời điểm Công ty gặp khó khăn, dư nợ của chúng tôi tại BIDV chỉ là 3,6 tỷ đồng. Vậy nhưng, thay vì yêu cầu trả nợ, ngoài việc BIDV vẫn dành cho chúng tôi sự ưu đãi ban đầu thì những người đứng đầu BIDV Thái Nguyên còn “ngồi” lại với ban lãnh đạo Công ty để bàn bạc, cùng tìm hướng tháo gỡ. Khi này, chúng tôi đã đưa ra được 1 phương án sản xuất kinh doanh mới với việc cơ cấu lại bộ máy điều hành, sắp xếp lại các vị trí hoạt động, chú trọng khâu tiếp thị để mở rộng thị trường và tìm thêm đối tác để liên kết, hợp tác sản xuất... Nhận thấy sự khó khăn mà Công ty đang phải đối mặt, tập thể cán bộ, người lao động trong đơn vị càng thêm quyết tâm, nỗ lực để Công ty trước hết duy trì và ổn định sản xuất, tiếp theo là tiến tới sự phát triển. Sau một thời gian, cùng với sự vào cuộc của BIDV, chúng tôi đã bắt đầu có sự phục hồi. Chính điều này nên BIDV đã quyết định nhận lại toàn bộ tài sản mà chúng tôi đang thế chấp ở một ngân hàng khác làm cơ sở cho vay hơn 16 tỷ đồng để Công ty cơ lại toàn bộ nợ, giúp tình hình tài chính của Công ty được trở lại bình thường từ tháng 1-2015. Khi vấn đề về vốn được giải quyết, chúng tôi như trút được gánh nặng, yên tâm tập trung sản xuất, phát triển thị trường. Nhờ đó, doanh số của Công ty ngày càng tăng. Trung bình 3 tháng đầu năm 2015, đã đạt 5 tỷ đồng/tháng (tương ứng với sản lượng 500 tấn sản phẩm/tháng). Tuy so với trước tháng 6-2011 mới chỉ bằng 50%, nhưng so với thời điểm năm 2013 và 2014 thì đã cao hơn gấp 2 lần. Hiện, Công ty giải quyết việc làm ổn định cho 70 lao động, với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Toản nhiều lần bảo: Không phải chỉ có Ban giám đốc Công ty mới thấy được sự chia sẻ, đồng hành của BIDV, mà bất cứ ai trong đơn vị cũng biết đến sự giúp đỡ của BIDV Chi nhánh Thái Nguyên.

 

“Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công”

 

Trong khi Công ty đang có nợ xấu, tại sao BIDV vẫn rót vốn, việc làm chưa hề có tiền lệ trên địa bàn tỉnh? Đó là bởi họ có phương án kinh doanh mới mà qua thẩm định, chúng tôi nhận thấy sẽ mang lại hiệu quả - Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ. Qua quá trình đồng hành cùng Công ty, chúng tôi nhận định, những khó khăn mà Công ty Việt Thái gặp phải chỉ là tạm thời, nếu được giải quyết vấn đề về vốn thì những sẽ không còn quá đáng ngại. Thêm vào đó, chúng tôi cũng biết, Chính phủ đang và sẽ có thêm nhiều ưu đãi dành cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó có chế biến thức ăn chăn nuôi, bởi thế, Công ty sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển. Điều quan trọng nữa là Công ty Việt Thái vốn được BIDV Thái Nguyên đánh giá là làm ăn nghiêm túc, có uy tín nên chúng tôi thấy cần có trách nhiệm với những khách hàng như vậy để giúp họ vượt qua khó khăn, thực hiện đúng phương châm mà BIDV cam kết, đó là “Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công”. Và đúng như nhận định của chúng tôi, đến nay, hoạt động sản xuất của Công ty Việt Thái đang có rất nhiều chuyển biến tích cực.

 

Ông Hà Mậu Quý bảo: Đồng vốn của ngân hàng chỉ phát huy hiệu quả khi khách hàng thực sự làm ăn có lãi. Trên thực tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên việc bảo toàn vốn luôn được đặc biệt chú trọng. Và để làm được điều đó, chúng tôi đã cử 1 cán bộ trực tiếp giám sát, quản lý Công ty. Mọi giao dịch, thanh toán của Công ty đều được báo cáo và thực hiện qua BIDV. Ngoài việc nắm bắt được tình hình hoạt động, có kế hoạch rót vốn hợp lý, BIDV còn giúp Công ty nắm bắt được tình hình hoạt động cũng như khả năng tài chính của đối tác, qua đó đưa ra khuyến cáo, thậm chí là yêu cầu không hợp tác với những khách hàng “có vấn đề”. Tất nhiên, để làm được việc đó, chúng tôi luôn phải vận dụng tối đa các mối quan hệ cũng như tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về những vấn đề có liên quan để chứng minh với Công ty về khả năng của ngân hàng trong việc quản lý, điều hành mang lại hiệu quả, đồng thời để họ thấy được BIDV đang thực sự đồng hành chứ không phải để thâu tóm.

 

Khẳng định thương hiệu BIDV

 

Công ty CP Phát triển Việt Thái chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp được BIDV can thiệp, tháo gỡ khó khăn về vốn trong thời gian qua. Bên cạnh việc trực tiếp tham gia quản lý, giám sát, định hướng phương án sản xuất kinh doanh, liên quan đến vấn đề xử lý nợ, BIDV còn đồng hành cùng khách hàng trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được chấp thuận đầu tư hay khi thanh toán vốn. Những trường hợp do thiếu vốn dẫn đến doanh nghiệp không thể hoàn thiện công trình, căn cứ vào khối lượng công việc đã thực hiện, BIDV sẽ đưa ra phương án cho vay hợp lý để khách hàng có khả năng hoàn thành, nhờ đó có điều kiện trang trải các khoản nợ. Đó còn có thể là việc BIDV Thái Nguyên tạo điều kiện để cho đối tác của khách hàng được vay vốn để giúp khách hàng trực tiếp của mình có điều kiện gia tăng vốn hoặc tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí có trường hợp, BIDV phải đến gặp trực tiếp chủ đầu tư để tìm hiểu những khó khăn mà khách hàng của mình đang gặp, từ đó đưa ra cách thức giúp đỡ phù hợp…

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Doanh nghiệp Sắt thép Vân Cường, phường Tân Thành, T.P Thái Nguyên đã không tiếc lời khen khi nói về BIDV Thái Nguyên: Đó không chỉ là một ngân hàng đơn thuần, mà đó còn là người bạn tri kỷ, người tư vấn đáng tin cậy trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều cán bộ của BIDV tuy còn rất trẻ nhưng họ luôn chứng tỏ được khả năng, sự am hiểu của bản thân trên nhiều lĩnh vực. Cách làm của họ ngày càng khẳng định được thương hiệu cũng như uy tín trên thương trường.

 

Quả thật, khi tiếp xúc với bất cứ cán bộ nào của BIDV Chi nhánh Thái Nguyên, hẳn là ấn tượng đầu tiên mà người đối diện dễ dàng nhận thấy đó chính là sự thân thiện, chuyên nghiệp. Họ đều xuất phát từ dân tài chính nhưng lại có sự am hiểu ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đường lối, các chính sách của Đảng, Nhà nước trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong thời gian qua, kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khiến số lượng khách hàng là doanh nghiệp mà BIDV Chi nhánh Thái Nguyên phải can thiệp trong việc xử lý nợ gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, với việc chú trọng bố trí cán bộ có đủ khả năng tham gia công việc này một cách thường xuyên, liên tục, BIDV Chi nhánh Thái Nguyên luôn giữ được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, thời điểm hiện tại dưới 0,2% trên tổng dư nợ (thấp hơn nhiều so với trung bình chung trong hệ thống BIDV cũng như so với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh), trong khi đó, doanh số cho vay của đơn vị ngày càng tăng, hiện là trên 5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,5 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2013. BIDV Chi nhánh Thái Nguyên nhiều năm liền được biết đến là một trong những chi nhánh chủ lực của BIDV.

 

Hy vọng, với cách xử lý nợ mà BIDV Chi nhánh Thái Nguyên đã và đang làm sẽ tiếp tục giúp thêm nhiều doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất như đối với Công ty CP Phát triển Việt Thái. Đây có thể xem là một cách làm mang nhiều ý nghĩa mà nhiều ngân hàng khác có thể nghiên cứu, tham khảo để góp phần thực hiện thành công Năm Vì doanh nghiệp mà Chính phủ đã xác định cho năm 2015.