Bài toán thừa cung, thiếu cầu

14:36, 21/04/2015

Tính sơ sơ trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có khoảng 20 dự án xây dựng trung tâm thương mại (TTTM) được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo khảo sát của các chuyên gia tư vấn thì thực tế nhu cầu thị trường không lớn, trong khi lượng dự án lại quá nhiều. Chính vì thừa cung, thiếu cầu mà số đông các dự án xây dựng TTTM bị đình trệ.

 

Mới đây, một tổ chức có uy tín trong lĩnh vực tư vấn thị trường của Pháp đã có cuộc khảo sát cung, cầu dịch vụ khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh theo đơn đặt hàng của chủ một dự án xây dựng TTTM lớn ở T.P Thái Nguyên. Kết quả cho thấy, cung hiện đang vượt quá cầu tới gần 30% đến 40%. Tất cả các tính toán về kinh doanh TTTM đều có chỉ số âm điểm. Do đó, đơn vị tư vấn đã khuyến cáo khách hàng của mình không nên xây dựng TTTM ở thời điểm này. Nếu đầu tư chắc chắn sẽ lỗ ít nhất trong 10 năm đầu hoạt động. Dù chưa công bố chính thức và kết quả chỉ mang tính tham khảo, nhưng đây cũng được xem là cơ sở để chúng ta có cái nhìn sát hơn về thị trường kinh doanh trên địa bàn.

 

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, việc đầu tư xây dựng TTTM giống như một hội chứng khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào thế bị động, "tiến thoái lưỡng nan". Sở dĩ nói vậy bởi không ít doanh nghiệp, sau khi được chấp thuận hoặc cấp phép đầu tư TTTM đã không dám triển khai đầu tư tiếp và nếu có triển khai thì cũng khá dè dặt. Họ thừa khả năng để nhận ra rằng, cung vượt quá cầu sẽ gây rất nhiều bất lợi khi đầu tư. Bỗng dưng bỏ ra cả trăm tỷ đồng để đổi lấy thua lỗ và những lo lắng trả lãi ngân hàng thì không phải nhà đầu tư nào cũng dám "liều". Bởi vậy, trong 20 dự án TTTM trên địa bàn thành phố hiện chỉ có một vài dự án hoàn thành, số còn lại hoặc xây dựng dang dở hoặc vẫn nằm trên...giấy. Có thể kể tên một số TTTM chậm tiến độ hoặc chưa triển khai như: Dự án xây dựng Tổ hợp thương mại, dịch vụ văn hóa thể thao và khách sạn cao cấp tại phường Trưng Vương, do Công ty CP Thương mại Hà Tây làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng tổ hợp TTTM phường Phan Đình Phùng do liên danh Công ty SONIMEX - PVCI làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng siêu thị và văn phòng cho thuê VNF1 tại phường Trưng Vương do Công ty CP Phân phối bán lẻ VNF1 làm chủ đầu tư... Theo Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh thì ngoài nguyên nhân suy thoái kinh tế, giải phóng mặt bằng chậm, thiếu năng lực tài chính thì còn do yếu tố chênh lệch cung, cầu. Tuy nhiên, dư luận còn đang hoài nghi về một kịch bản khác: Phải chăng một số doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư TTTM từ nhiều năm nay mà không triển khai là vì mục đích giữ đất, bởi hầu hết các TTTM đều nằm ở những vị trí đắc địa nhất của T.P Thái Nguyên? 

 

Trên thực tế, một số dự án quy mô lớn (trên 20 tầng) nhưng chỉ được nhà đầu tư xây dựng phần thô mà không hoàn thiện dứt điểm dự án. Lý do họ đưa ra là nếu hoàn thiện thì khả năng bỏ trống diện tích sử dụng rất lớn, vừa lãng phí vừa khiến doanh nghiệp đọng vốn. Có một số dự án lại được nhà đầu tư cố gắng hoàn thành nhưng gần như bị giản bớt số hạng mục so với thiêt kế ban đầu hoặc chỉ thực hiện giai đoạn đầu của dự án. TTTM Minh Cầu là một ví dụ. Tháng 3-2008, Công ty TNHH Hoàng Mấm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu Dự án này, triển khai tại phường Hoàng Văn Thụ với mức đầu tư dự kiến là 353 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhận thấy khả năng thị trường không lớn, nhà đầu tư đã xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo hướng rút vốn đầu tư xuống còn 133 tỷ đồng, cấp phép xây dựng 21 tầng, chia làm 3 giai đoạn. Năm 2013, Công ty hoàn thành giai đoạn 1 với số vốn 61,4 tỷ đồng (xây dựng 7 tầng), giai đoạn 2 và 3 là 71,6 tỷ đồng (xây nốt số tầng còn lại). Theo ông Hoàng Gia Huệ, Giám đốc Công ty thì do việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn, thực tế nhu cầu của thị trường về khách sạn, nhà hàng, văn phòng cho thuê đang rất hạn chế, nên đơn vị bắt buộc phải xin điều chỉnh và chia giai đoạn đầu tư cho phù hợp. Mặc dù theo kế hoạch, năm 2015 Công ty sẽ xây tiếp 4 tầng nữa, nhưng theo quan sát của chúng tôi khả năng giai đoạn 2 sẽ khó có thể triển khai trong năm nay vì hiện tại TTTM Minh Cầu vẫn chưa sử dụng hết diện tích...

 

Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên mới chỉ xuất hiện một vài TTTM hoạt động, nhưng đã thấy ngay sự mất cân bằng cung, cầu. Một số khách sạn, nhà hàng có tên tuổi như Khách sạn Thái Nguyên, Khách sạn Hải Âu, Khách sạn Hoàng Đế... lúc trước luôn ổn định về lượng khách, nhưng từ giữa năm 2014, khi TTTM Đông Á (Đông Á Plaza) tại phường Đồng Quang đi vào hoạt động, những đơn vị kể trên đều bị giảm một nửa lượng khách đến nghỉ ngơi, ăn uống. Tuy vậy, số diện tích sử dụng của Đông Á Plaza vẫn chưa được lấp đầy. Gần đây, tiếp tục có TTTM Kim Thái ra đời với quy mô lớn, cao tầng thì chắc hẳn sẽ không tránh khỏi việc để trống nhiều diện tích sử dụng.

 

Theo các chuyên gia kinh tế thì Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có quy hoạch thương mại. Ngoài ra Nhà nước còn có chức năng định hướng cho doanh nghiệp về cung, cầu thị trường. Việc có quá nhiều TTTM được chấp thuận hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ không chỉ gây khó cho các nhà đầu tư, khiến nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và cuộc sống của người dân vùng dự án. Do đó, các chuyên gia cho rằng, trước khi cấp dự án đầu tư TTTM trên địa bàn cần phải dựa trên quy hoạch ngành, trong đó căn cứ theo nhu cầu thực tế. Việc quy hoạch và tiếp tục cấp phép xây dựng TTTM thời gian qua đã và đang khiến các dự án TTTM được đầu tư trước đó phải chịu sức ép lớn. Trước thực tế này, cần phải có những ưu tiên đối với những dự án đã cấp phép trước, có tính khả thi cao và nhà đầu tư đủ năng lực. Khi cung vượt quá cầu thì hãy để cho những dự án ra đời trước có khả năng thích nghi và "sống khỏe" rồi hãy sinh các dự án tiếp theo...