Cuối năm nay, Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đồng thời mở cửa gần như hoàn toàn với hàng nhập khẩu theo lộ trình cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Đây vừa là tín hiệu vui nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước trước sức ép cạnh tranh mạnh mẽ của hàng ngoại nhập.
Chúng ta đều biết, khi thuế suất bằng 0% theo đúng lộ trình cam kết của ATIGA và AEC thì việc hàng hóa từ các nước ASEAN ồ ạt vào nước ta là điều hiển nhiên. Điều đó sẽ gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các DN trong nước, nhất là khi các DN của chúng ta vẫn giữ thói quen ngại thay đổi mẫu mã, chất lượng, giá bán sản phẩm. Theo cam kết thì năm 2015, những ngành và mặt hàng chịu tác động lớn từ xóa bỏ hàng rào thuế quan gắn với những sản phẩm đang là thế mạnh của tỉnh gồm: Động cơ phụ tùng ô tô, xe máy, thép, phôi thép, chè...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 3 đơn vị truyền thống sản xuất trong ngành công nghiệp phụ trợ, gồm: Công ty Diezel Sông Công, Công ty Phụ tùng máy số 1 và Công ty CP Cơ khí Phổ Yên. Các đơn vị này đều có những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao (gồm: linh kiện, phụ kiện ô tô, xe máy). Bạn hàng chính của các công ty là những hãng sản xuất, lắp ráp lớn của nước ngoài như: Honda, Yamaha, Suzuki... Thời gian gần đây, các đối tác đã tạo nhiều sức ép về giá cả, phẩm cấp lên các sản phẩm cơ khí, đồng thời thay đổi hợp đồng khiến DN của chúng ta gặp khó khăn. Được biết, 3 tháng đầu năm nay, Công ty Diezel Sông Công gần như không sản xuất sản phẩm động cơ như trước mà chỉ gia công một số phụ tùng xe máy, trong đó có phôi trục khuỷu, hộp số. Điều đó chứng tỏ dù chưa gia nhập AEC nhưng sự cạnh tranh đã rất gay gắt, nhiều đối thủ đang muốn thế chân những hợp đồng truyền thống của DN Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, không ít hàng hóa của chúng ta kém sức cạnh tranh hơn với các sản phẩm ngoại nhập do sản xuất nội địa còn manh mún, công nghệ lạc hậu, giá thành cao. Chẳng nói đâu xa, ngay như một số sản phẩm thép và phôi thép vốn là thế mạnh của tỉnh cũng đã không ít lần chịu thua ngay tại sân nhà. Dù vẫn chịu thuế suất, nhưng thời gian qua sản phẩm thép cán và phôi thép của nước ngoài đã làm điêu đứng thị trường thép trong nước, trong đó có thép TISCO của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Với giá rẻ chỉ bằng giá phôi nguyên liệu sản xuất nội địa và giá phôi thấp bằng 2/3 giá phôi Gang thép sản xuất, thời gian qua thép Trung Quốc đã tạo ra sức ép rất lớn. Chúng ta chưa bàn tới chất lượng, nhưng chỉ về giá cả thôi cũng đủ để gây khó khăn cho sản xuất thép của tỉnh.
Hàng nông sản tuy được xem là thế mạnh của chúng ta với các sản phẩm như gạo, chè, hoa quả, nhưng đang có nguy cơ mất chỗ đứng khi phải cạnh tranh với các mặt hàng chất lượng, mẫu mã đẹp, giá hợp lý của Thái Lan, Campuchia, Indonesia... Hiện nay, tại kệ hàng lương thực của các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như: Minh Cầu, Tôn Mùi, T.Mart... đều xuất hiện rất nhiều sản phẩm gạo đóng gói cao cấp của Thái Lan đặt ngay cạnh gạo Bao thai Định Hóa. Thông tin từ bộ phận bán hàng của Siêu thị Minh Cầu cho thấy, lượng khách sử dụng gạo Thái Lan đang có xu hướng nhiều hơn dùng gạo đặc sản của ta. Không ít người lo ngại rằng, tới đây sản phẩm chè với nhiều mẫu mã bắt mắt, được chế biến tinh xảo, phù hợp với văn hóa ẩm thực Á Đông của một số nước trong khu vực sẽ tràn ngập trên thị trường nội địa, đánh bật các sản phẩm chè truyền thống ít được đầu tư thay đổi để hợp thị hiếu người tiêu dùng của các DN trong tỉnh.
Một điều đáng nói là ngay cả khi những lợi thế tưởng chừng ít có đối thủ cạnh tranh nhất với chúng ta là nguồn nhân công thì giờ cũng có nguy cơ bị "áp đảo tại gia". Chúng ta có mấy lĩnh vực phải sử dụng nhiều lao động là may mặc, lắp ráp điện tử và luyện kim. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp, trình độ tay nghề non, hơn nữa chế độ đãi ngộ của DN với người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Mức lương trung bình mà DN của chúng ta trả cho người lao động có lúc chỉ bằng một nửa so với các DN nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, gia nhập AEC là điều kiện để DN tự đổi mới, nhưng nếu DN không chịu đổi mới hay không đủ năng lực để thay đổi thì nguy cơ bị loại khỏi sân chơi là rất cao. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh thì phần đông các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa của tỉnh đều tỏ ra thờ ơ, bàng quan với những gì liên quan tới AEC. Ông Dương Xuân Hùng, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh chia sẻ: Tỉnh ta có hơn 4.000 DN thì có trên 1.300 DN thương mại. Mà DN không sản xuất thì sự tác động của hội nhập sẽ không lớn và tất nhiên họ ít quan tâm đến sự kiện Việt Nam là thành viên của AEC. Còn Giám đốc Sở Công Thương, ông Đinh Khắc Hiển trong một diễn đàn về sử dụng hàng Việt của tỉnh mới đây cũng cho rằng: Phản ứng của DN Thái Nguyên trước hội nhập ASEAN là rất chậm, sự sẵn sàng tham gia sân chơi chung còn ở mức độ rất thấp. Khách quan mà nói, hầu hết các DN trên địa bàn chưa có chiến lược phát triển dài hạn, trình độ năng lực quản lý thấp, nên sẽ khó cạnh tranh được với đối thủ nước ngoài.
Trước những thách thức hội nhập hiện nay, đòi hỏi các DN của tỉnh phải thay đổi từ tư duy đến hành động. Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên, ông Phạm Văn Quang trong một hội nghị doanh nghiệp mới đây cho rằng, với lợi thế là DN địa phương rất am hiểu văn hóa tiêu dùng của người dân bản địa, các DN của chúng ta phải tận dụng lợi thế hội nhập, chuẩn bị thật tốt cả về hình thức và chất lượng sản phẩm của mình, đưa ra thị trường đúng lúc để giữ chỗ đứng trên sân nhà. Trước tiên hãy phục vụ tốt thị trường nội địa, bởi chỉ có thắng trên sân nhà thì mới có lực vươn tới các thị trường nước ngoài.
Theo các nhà phân tích thì trước hội nhập, mỗi DN cần phải xem lại đâu là điểm mạnh, điểm yếu và những điểm nào phù hợp với mình, những điểm nào còn thiếu để tập trung bổ sung, khắc phục. Có nghĩa là phải biết mình đang ở đâu trong sân chơi để thay đổi tư duy, cách chơi hợp lý. Thị trường ASEAN quan trọng không thua kém các thị trường Mỹ, Nhật, EU. Nếu không hội nhập được với thị trường khu vực thì việc có chỗ đứng trong các thị trường lớn hơn sẽ là rất khó. Cái cần nhất của DN chúng ta là nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, dịch vụ, nhân lực và công nghệ.
Một điều quan trọng nữa mà các DN cần phải có trong cuộc chơi chung đó chính là sự đoàn kết trong cộng đồng DN. Tỉnh ta đã thành lập được Hiệp hội DN, rồi các tổ chức Hội DN trẻ, DN nhỏ và vừa, DN nữ, các Hội DN cấp cơ sở. Chính những tổ chức này là cầu nối cho các DN liên kết, học hỏi lẫn nhau về chiến lược cạnh tranh. Thay vì coi DN nội địa là đối thủ thì hãy bắt tay làm đối tác của nhau để cùng tham gia duy trì và chiếm lĩnh thị phần trong nước. DN nào cũng hiểu, muốn có được thị phần thì DN phải mạnh, mà muốn mạnh thì không có cách gì hơn là liên kết...