Phát triển làng nghề gắn với dịch vụ du lịch

18:32, 17/04/2015

Đây là một trong những vấn đề được đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong chuyến làm việc tại huyện Định Hóa ngày 17-4 để nắm tình hình quy hoạch và phát triển các cụm công nghiệp (CCN); phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo UBND huyện và đi kiểm tra tình hình thực tế tại một số cơ sở chế biến gỗ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Mặc dù sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã có bước phát triển nhưng các ngành nghề phát triển còn chậm, nhỏ lẻ và manh mún. Bên cạnh đó, những CCN đã quy hoạch cũng chưa thu hút được các doanh nghiệp, đơn vị vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ; thiết bị, máy móc lạc hậu; trình độ tổ chức quản lý ở các cơ sở kinh doanh còn nhiều bất cập. Đối với các kiến nghị của huyện, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, đề xuất với tỉnh ban hành cơ chế đặc thù cho huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Định Hóa để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN trên địa bàn; Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan có hướng dẫn chi tiết để huyện lập quy hoạch chi tiết và mở rộng CCN Trung Hội nhằm thu hút đầu tư...

 

Theo báo cáo của UBND huyện Định Hóa, trong 4 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đã tăng từ 85 tỷ đồng lên 156 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đã quy hoạch được 3 CCN là Kim Sơn, Trung Hội và Sơn Phú (với tổng diện tích 40ha). Trong đó, UBND huyện đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết CCN Kim Sơn, tuy nhiên đến nay chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào đầu tư vào CCN này. Trên địa bàn huyện cũng đã có 10 làng nghề được công nhận, trong đó có 7 làng nghề chè, 3 làng nghề dệt mành cọ.