Xã Định Biên (Định Hóa) là vùng đất có nhiều di tích lịch sử gắn với thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Trong những năm kháng chiến gian lao, các tầng lớp nhân dân Định Biên đã hết lòng đùm bọc, che chở cho các cơ quan và cán bộ cách mạng đóng tại địa bàn.
Hòa bình lập lại, người dân Định Biên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã lại ra sức phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Các thế hệ người dân Định Biên có quyền tự hào về những đóng góp không hề nhỏ của địa phương cho 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám đã có nhiều người con ưu tú của địa phương sớm giác ngộ lý trưởng cách mạng và tích cực hoạt động, gây dựng phong trào quần chúng, chuẩn bị lực lượng để tham gia giành và bảo vệ chính quyền. Điển hình như các cụ lão thành cách mạng: Ma Công Điền, Triệu Văn Mọn, Đàm Văn Túc, Ma Công Tương, Triệu Ngọc Chung, Nông Thị Tham, Dương Văn Chẩn. Để chuẩn bị cho Lễ hợp nhất các lực lượng vũ trang cách mạng diễn ra tại xã, nhân dân Định Biên đã đóng góp ủng hộ được 3.300 bơ gạo, 1 con trâu, 1 con bò, 2 con lợn, 50kg gia cầm cùng nhiều rau xanh và cử một tổ hậu cần phục vụ ngày Lễ. Trong những ngày sôi sục khí thế Cách mạng Tháng Tám, nhân dân trong xã tiếp tục ủng hộ cho lực lượng Việt Minh 2 tấn thóc, 2 con trâu, 1 con bò, 6 con lợn và 6 chỉ vàng. Phát huy truyền thống đó, dù đời sống còn rất nhiều khó khăn nhưng nhân dân Định Biên đã tích cực đóng góp sức người, sức của, ủng hộ ngày càng nhiều cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trên địa bàn xã Định Biên hiện có 15 điểm di tích lịch sử gắn với thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã được xếp hạng, như: Đình Làng Quặng - nơi hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân vào ngày 15-5-1945; rừng Thàn Mát lịch sử - nơi gặp gỡ của 2 đoàn quân cách mạng; đồi Thẩm Tắng; làng Đồng Đau; gốc đa Đồng Rằm… Các cán bộ và cơ quan đầu não của Quân đội đóng quân tại đây đã được bà con hết lòng che chở, giữ bí mật, bảo vệ tuyệt đối an toàn. Với những đóng góp nổi bật trong lịch sử, xã Định Biên đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp vào đúng dịp Quốc khánh năm 2000.
Đảng bộ xã Định Biên đang chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2015-2020), nhìn lại mỗi nhiệm kỳ đã qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận, diện mạo nông thôn và đời sống của người dân đang thay đổi ngày một nhanh theo hướng tích cực. Đồng chí Ma Khánh Huân, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Những năm gần đây, hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục của xã được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Tính riêng từ năm 2010 đến nay, cùng với các nguồn vốn hỗ trợ từ các cấp, ngành, xã đã vận động nhân dân hiến được 14,5 nghìn m2 đất (trị giá quy đổi khoảng 580 triệu đồng), ngày công và đối ứng tiền để xây dựng 12km đường giao thông theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Về cơ bản, hệ thống giao thông đã đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân trên địa bàn. Cũng với hình thức tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ và huy động sức dân, xã đã cứng hóa được 19,8/27,7km mương thủy lợi, xây mới, nâng cấp một số nhà văn hóa xóm và phòng học khang trang; 100% hộ dân đã được sử dụng điện lưới Quốc gia…
Cùng với sự hỗ trợ thông qua Chương trình 135, người dân trong xã đã đối ứng, mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa sản xuất (hiện nay phần lớn gia đình có máy cày tay, máy bơm nước, máy gặt, máy tuốt lúa loại nhỏ); vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế (hiện có 475 hộ trong xã vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng dư nợ đạt trên 12 tỷ đồng). Các loại cây trồng, vật nuôi mới như: Lúa lai, khoai tây, lợn siêu nạc, dê, thỏ ngày càng được bà con ưu tiên lựa chọn đưa vào sản xuất. Vì vậy, đời sống kinh tế của người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36,2% năm 2011 xuống còn 20,8% hiện nay; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,5 triệu đồng lên 12 triệu đồng/năm; trên 70% hộ dân đã có nhà xây kiên cố (năm 2010 chỉ đạt khoảng 40%); gần 100% số hộ sắm được ti vi, xe máy…
Đồng chí Nông Văn Được, Bí thư Đảng ủy xã Định Biên khẳng định: Mặc dù đời sống của người dân còn thấp, hạ tầng nông thôn vẫn yếu và thiếu, nhưng với truyền thống cách mạng và sự sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, xã sẽ tiếp tục phát huy tốt nội lực, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh. Trong quá trình đó, truyền thống cách mạng và phần thưởng cao qúy, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do nước trao tặng sẽ mãi là động lực khích lệ cán bộ và nhân dân trong xã.