5 yêu cầu khi xuất khẩu trái vải vào Úc

07:50, 06/05/2015

Bộ Nông nghiệp Úc vừa có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam kể từ ngày 18/4/2015. Theo Bộ Công Thương, đây là kết quả sau nhiều năm đàm phán giữa Việt Nam và Úc và một trong những kết quả từ chuyến thăm chính thức Úc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.  

Úc là một trong những nước có các qui định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Tại thời điểm hiện tại, trái vải là loại trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu. Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Úc sẽ đồng thời mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài…

 

Theo văn bản của Bộ Nông nghiệp Úc gửi Cục Bảo vệ thực vật, kể từ ngày 18/4/2015, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể chính thức xin giấy phép nhập khẩu với cơ quan kiểm dịch thực vật của Úc để ký kết các hợp đồng thương mại.

 

Theo quy định của Úc, để xuất khẩu trái vải tươi của Việt Nam vào thị trường Úc phải đảm bảo 5 yêu cầu:

 

Thứ nhất, về vùng trồng: Cơ sở trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải, áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Cơ sở phải lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất. Vải để xuất khẩu phải không bị nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số và được đựng trong các thùng (hộp) được ghi rõ thông tin cơ sở trồng phục vụ cho việc truy nguyên nguồn gốc. Vải phải được vận chuyển đến cơ sở đóng gói được cấp mã số bằng phương tiện đảm bảo vệ sinh.

 

Thứ hai, về cơ sở đóng gói vải, phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Trước mỗi mùa xuất khẩu vải, cơ sở đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra đánh giá và công nhận đáp ứng điều kiện nhập khẩu của Úc.

 

Thứ ba, về bao bì và ghi nhãn: Bao bì đóng gói vải xuất khẩu sang Úc phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm. Thùng các-tông đựng vải phải ghi rõ mã số cơ sở trồng vải, cơ sở đóng gói và cơ sở xử lý và ghi rõ bằng tiếng Anh “Treated with ionizing irradiation” hoặc “Treated with ionizing electrons” hoặc “Irradiated (food)”, và có thể in logo theo quy định đối với thực phẩm chiếu xạ trên bao bì các-tông.

 

Thứ tư, về xử lý chiếu xạ: Vải xuất khẩu đi Úc phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận (gồm Công ty chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú) theo liều lượng quy định dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

 

Thứ năm, về kiểm dịch lô vải xuất khẩu: Lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Úc và có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Giấy chứng nhận) do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp, trên đó ghi rõ: “Lô quả này được sản xuất tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện nhập khẩu vải tươi vào Úc và tuân thủ quy định tại Chương trình xuất khẩu quả vải đã được chiếu xạ từ Việt Nam sang Úc”. Trong mục biện pháp xử lý trên Giấy chứng nhận ghi rõ “Liều chiếu xạ thấp nhất 400 Gy”.

 

Để triển khai có hiệu quả việc xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Úc, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người trồng vải thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải tươi xuất khẩu đi Úc. Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Úc đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá trái vải Việt Nam tại Úc.