“Cần câu” giúp đoàn viên công đoàn nâng cao đời sống

08:39, 01/05/2015

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí phải giải thể, dẫn đến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, nhiều công nhân lao động bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

Để từng bước góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho công nhân, viên chức, người lao động (CNVC, NLĐ); tạo động lực và niềm tin vào tổ chức Công đoàn để người lao động hăng say làm việc, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp phát triển bền vững, Liên đoàn Lao động tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ người lao động giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình thông qua nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Nguồn vốn đã và đang phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Nhiều gia đình CNVC, NLĐ đã thoát khỏi khó khăn, làm giàu từ nguồn vốn này.

 

Một trong những điển hình mà chúng tôi muối nói đến là gia đình chị Vũ Thị Tâm, đoàn viên Công đoàn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi Miền núi (gọi tắt là Trung tâm). Hai vợ chồng chị Tâm đều công tác tại Trung tâm, nguồn thu nhập từ đồng lương thấp, nên việc nuôi 2 con ăn học trở nên rất vất vả. Căn cứ vào hoàn cảnh gia đình chị, Công đoàn Trung tâm đã tham mưu cho Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phân bổ nguồn vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho gia đình chị Tâm và một số đoàn viên khác có hoàn cảnh khó khăn khác vay để phát triển kinh tế gia đình.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi chị Vũ Thị Tâm không khỏi xúc động: “Kinh tế nhà tôi có được như ngày hôm nay ngoài sự phấn đấu nỗ lực của gia đình là sự quan tâm rất lớn của Công đoàn. Gia đình rất cảm ơn tổ chức Công đoàn đã chăm lo đến đời sống người lao động, nhất là trong lúc gia đình gặp khó khăn, Công đoàn không những động viên về tinh thần mà còn chăm lo về vật chất, vợ chồng tôi rất cảm động và hứa sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan, tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để nâng cao thu nhập".  Được biết, gia đình chị Tâm được vay 20 triệu đồng từ năm 2012. Từ nguồn vốn vay trên, cùng với các điều kiện sẵn có của gia đình như chuồng trại, đất đai, và vốn tích lũy từ những năm trước anh chị đã mua 2 con lợn nái để nuôi lấy lợn giống. Toàn bộ số lợn con sinh ra gia đình chị để lại nuôi lợn thịt. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi thêm gà, vịt, ngan để nâng cao thu nhập. Mỗi lứa xuất chuồng lợn thịt, gà, vịt, ngan (3 tháng một lứa lợn và ngan, 4 tháng 1 lứa gà, 50 ngày 1 lứa vịt), trừ chi phí gia đình chị thu lãi khoảng gần 30 triệu đồng. Số tiền trên gia đình chị tiếp tục đầu tư tăng quy mô của từng loại vật nuôi lên. Hiện nay, mỗi lứa lợn gia đình nuôi 20 con, gà 500 con; vịt, ngan mỗi lứa 300 con. Theo tính toán của gia đình chị Tâm năm 2014, trừ các chi phí gia đình bỏ ra được trên 100 triệu đồng. Như vậy, nhờ nguồn vốn vay của Công đoàn, gia đình chị Tâm vượt qua khó khăn, trở thành hộ có kinh tế khá giả. Giờ đây, chị đã dựng được một ngôi nhà cấp bốn tương đối khang trang trên mảnh đất rộng gần 2000 m2 do Trung tâm cho mượn với đầy đủ các tiện nghi thiết yếu. Gia đình chị Tâm trở thành một điển hình đoàn viên phát triển kinh tế giỏi của Trung tâm.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí  Tạ Văn Cần, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi khẳng định: Trung tâm hiện có 41 CNVC, NLĐ. 100% đều là đoàn viên công đoàn. Thuận lợi lớn nhất là Trung tâm hiện có tổng diện tích trên 69ha. Mỗi hộ cán bộ, CNVC, NLĐ trong cơ quan, Trung tâm cho mượn trên 1000m2 để ở, tăng gia phát triển kinh tế trong đó có gia đình chị Tâm. Thuận lợi ngoài có diện tích đất đai được mượn, các gia đình đều có kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi. Tuy nhiên, với thu nhập thấp như hiện nay (bình quân lương mỗi cán bộ, CNVC của Trung tâm khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng), nếu không tăng gia thêm thì rất khó khăn trong việc nuôi con ăn học, làm những việc lớn của gia đình (làm nhà, mua xe…). Nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của CNVC, NLĐ là rất lớn. Xuất phát từ thực tế trên, Công đoàn Trung tâm đã tham mưu cho LĐLĐ tỉnh cho cán bộ, đoàn viên vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Năm nay là năm thứ 3 đoàn viên Công đoàn của Trung tâm được vay từ nguồn vốn này. Năm nay, Trung tâm có 6 hộ có trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng). Các hộ đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình, trung bình thu nhập tăng thêm của các hộ vay vốn đạt trên 1 triệu đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, số vốn trên chỉ đáp ứng được khoảng 10% số hộ nhu cầu vay.  Vì vậy, tôi đề nghị LĐLĐ tỉnh tiếp tục khai thác các nguồn vốn khác, cũng như nâng mức cho vay và số người được vay hơn nữa giúp đoàn viên công đoàn có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.

 

Rời Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi Miền núi, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Hào, tổ dân phố số 1, phường Lương Châu, thị xã Sông Công. Anh Hào hiện đang công tác, sinh hoạt tại Công đoàn Văn phòng UBND phường Lương Châu. Nhà có 6 nhân khẩu, ngoài tiền lương của anh, nguồn thu của gia đình chỉ trông vào 7 sào ruộng. Điều kiện nhân lực, đất đai tuy có nhưng gia đình anh lại thiếu vốn phát triển kinh tế. Xét điều kiện thực tế của gia đình anh Hào, Công đoàn Văn phòng UBND phường Lương Châu đã đề nghị LĐLĐ thị xã cho anh được vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Năm 2012, gia đình anh Hào được vay 15 triệu đồng.

 

Thông qua chư­ơng trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, từ năm 1992 đến nay LĐLĐ tỉnh đã triển khai cho CNVC, NLĐ vay vốn tổng doanh số là 40.263 triệu đồng, 464 lượt dự án với 21.557 hộ vay đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhỏ… để tự tạo thêm thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm cho 22.693 lượt lao động. Các dự án đều được thực hiện đúng mục đích, đối tượng, có hiệu quả thiết thực góp phần thực hiện nhanh chương trình xóa đói, giảm nghèo của tỉnh và thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ về việc tăng cường các hoạt động xã hội của tổ chức Công đoàn.

Số tiền trên anh đầu tư mua 1 còn bò nái, sau 2 năm đã sinh được 2 con bò. Anh đã trả hết số tiền vay và tháng 10-2014 anh vay tiếp chu kỳ 2 được 15 triệu đồng đầu tư mua tiếp 1 con bò nái. Trao đổi cùng chúng tôi, anh Hào phấn khởi: “Các cụ dạy cấm có sai, nuôi con gì ăn cỏ, uống nước lã là lãi nhất. Đợt vay trước, gia đình tôi bán được 2 con bò giống thu được trên 20 triệu đồng. Con bò nái mua từ nguồn vốn vay đợt này chỉ 2 tháng nữa là sẽ đẻ tôi cầm chắc trên 10 triệu đồng. Nuôi bò vừa nhàn, lại cho thu nhập ổn định. Gia đình tôi rất cảm ơn các cấp Công đoàn đã quan tâm, tạo điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”. Được biết, năm nay trên địa bàn thị xã Sông Công có 11 hộ đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn được vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm do LĐLĐ tỉnh quản lý. Các hộ chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Số vốn này đã tạo thêm việc làm cho 11 người, với mức thu nhập tăng thêm từ nguồn vốn vay đạt từ 500 đến 1 triệu đồng/người/tháng.

 

 Có thể nói, chính sách cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm mới cho CNVC, NLĐ là một chính sách đúng đắn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Từ nguồn Quỹ này đã giúp đỡ, hỗ trợ hàng nghìn CNVC, NLĐ nghèo, khó khăn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trong gia đình, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Tham gia Chư­ơng trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã giúp tăng thu nhập bình quân từ 500 đến 1 triệu đồng/hộ/tháng, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, tạo niềm tin, phấn khởi cho đoàn viên tích cực tham gia các phong trào tại địa phương.