Góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc

14:04, 13/05/2015

Hơn 5 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả tích cực, thúc đẩy các doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong sản xuất và tiêu dùng, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Cùng với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, văn hóa tiêu dùng hướng về hàng Việt trong xã hội bước đầu được hình thành. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về CVĐ ngày càng sâu sắc, từ đó đã thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước có chất lượng. Cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng tích cực hưởng ứng, tham gia CVĐ. Đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý, thiết lập hệ thống phân phối, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của hàng hóa. Kết quả thực hiện CVĐ đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô và tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước.

 

Đó là kết quả của CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chứ không phải là một quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước. Việc các cửa hàng mang biển hiệu “Made in Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao” xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố lớn cho thấy hàng Việt đang dần chiếm lĩnh được thị trường.

 

Tuy nhiên, việc thực hiện CVĐ có lúc, có nơi còn hình thức, biện pháp triển khai thiếu cụ thể, thiết thực. Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. Chất lượng của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ chưa cao; giá cả chưa hợp lý. Cá biệt, vẫn còn một số doanh nghiệp sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng chất lượng thấp. Công tác thông tin, tuyên truyền về CVĐ chưa thường xuyên, liên tục; chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện CVĐ. Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân một số cấp ủy đảng chưa nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của CVĐ; chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CVĐ. Việc xây dựng thương hiệu Việt còn hạn chế, chưa đánh giá, so sánh chất lượng hàng trong nước và hàng nhập khẩu để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn. Nhiều người tiêu dùng trong nước vẫn còn thói quen còn thói quen dùng hàng nhập khẩu.

 

Thời gian tới, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng; cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng khốc liệt, nhất là khi hàng hóa nhập khẩu vào nước ta thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết. Để phát huy lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt, góp phần giữ vững ổn định sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, Trung ương đã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ này; bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời khắc phục những bất cập trong thủ tục hành chính. Ban Chỉ đạo CVĐ của tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2015 và những năm tiếp theo, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện CVĐ; mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập trái phép…

 

Việc mua sắm hàng hóa diễn ra hằng ngày để phục vụ cho cuộc sống thường nhật của con người. Để có hàng hóa phù hợp với truyền thống tốt đẹp, đạo đức và lối sống mới, thì cái gốc của vấn đề là các nhà sản xuất, các doanh nghiệp trong nước phải tạo ra được những sản phẩm mang đậm văn hóa Việt và thường xuyên được cải tiến để phù hợp với thời đại. Sự mong mỏi, tin tưởng của người tiêu dùng vào hàng Việt Nam có giá trị cao về thẩm mỹ và công năng sử dụng để "sánh vai" được với hàng hóa ngoại đã mang đậm tính văn hóa. Song, để văn hóa đó được tiếp tục phát huy, người tiêu dùng đòi hỏi cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ phải bảo đảm đúng điều luật thông tin về hàng hóa như ghi nhãn, niêm yết giá, cảnh báo khả năng hàng hóa có ảnh hưởng xấu, khả năng cung ứng linh kiện thay thế, điều kiện giao dịch... Đồng thời các hoạt động xúc tiến thương mại (khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại...) không chỉ thiên về một phía doanh nhân, thương nhân đạt lợi ích về thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ mà còn phải thể hiện tôn trọng khách hàng - khách quan, trung thực trong các hoạt động xúc tiến thương mại này.

 

CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", một mặt động viên người tiêu dùng hướng vào hàng Việt, khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc. Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách bảo vệ thị trường người tiêu dùng trong nước; vấn đề quản lý thị trường cũng cần phải đổi mới phù hợp với xu thế chung. Chỉ có như vậy, phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mới có thể đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo nên những nét văn hóa trong tiêu dùng của mỗi người dân đất Việt hôm nay.