Hợp Thành tập trung phát triển kinh tế

07:16, 26/05/2015

Hợp Thành là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương. Vì vậy, những năm qua, chính quyền địa phương luôn có nhiều giải pháp để khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Trong đó, phát triển nông, lâm nghiệp là một trong những giải pháp giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống.

Ông Nguyễn Hải Hồ, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Hợp Thành là 1 trong 6 xã của huyện Phú Lương, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, xã đã có nhiều giải pháp khuyến khích sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Trước tiên là vận động người dân đưa cây, con giống cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như: đưa giống chè cành Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Thúy Ngọc… vào trồng thay thế những diện tích chè trung du già cỗi. Hiện nay, toàn xã có 126ha chè thì có gần 40ha (chiếm trên 31% diện tích) được chuyển đổi sang trồng chè cành. Nhờ đó mà năng suất, chất lượng cũng như giá bán chè đã tăng hơn. Trước đây, mỗi sào chè trung du chỉ cho thu từ 11-12kg, giá bán từ 50.000-60.000 đồng/kg thì nay với cây chè cành, người dân thu được từ 15-16kg/sào và bán với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg. Cùng với cây chè, các giống lúa lai SYN6, Bio404, VL20, TH3-3,…được đưa vào trồng trên đồng đất Hợp Thành đã cho năng suất cao hơn. Đến nay, toàn xã đã có 140ha lúa lai (chiếm trên 50% diện tích) cho năng suất bình quân đạt gần 52 tạ/ha, tăng hơn 3 tạ/ha so với cấy giống lúa thuần trước đây.

 

Song song với cây chè và cây lúa, phát triển kinh tế từ trồng rừng cũng đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Hợp Thành cải thiện cuộc sống. Hiện nay, toàn xã có trên 400ha rừng (trong đó có hơn 100ha là diện tích rừng phòng hộ). Từ việc trồng rừng, nhiều gia đình trong xã đã thu nhập được hàng trăm triệu đồng, trong đó phải kể đến các hộ như: Trần Văn Ngọc (xóm Bo Chè), Ma Vũ Dương (xóm Tiến Bộ), Lương Đức Thọ (xóm Làng Mới), Lương Văn Mùi (xóm Làng Mon)… Ông Ma Nam Cao, xóm Bo Chè cho biết: Gia đình tôi có 7ha rừng. Trước đây, toàn bộ diện tích này đều là cây bụi rậm và cây cọ. Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, trong khoảng 10 năm trở lại đây, gia đình tôi đã tích cực trồng keo. Mới đây, hơn 2ha keo của gia đình đến tuổi khai thác, gia đình đã bán được hơn 100 triệu đồng. Sắp tới gần 1ha rừng keo cũng chuẩn bị cho khai thác, dự kiến sẽ thu thêm được 40 triệu đồng nữa.

 

Để thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi bằng việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, phối hợp với cơ quan chức năng tín chấp ngân hàng giúp dân vay vốn. Nhờ đó người dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi dê, đem lại thu nhập cao. Toàn xã hiện có 1.900 con gia súc thì có khoảng gần 500 con dê thịt (tăng gấp 10 lần về số lượng so với năm 2013), tập trung nhiều ở các xóm: Làng Mon, Bo Chè, Làng Mới… Điển hình trong việc chăn nuôi dê là gia đình anhLaVăn Tuấn, xómLàngMon. Khi 2 vợ chồng anh mới ra ở riêng, đời sống còn nhiều khó khăn. Thu nhập của gia đình phụ thuộc vào 3 sào ruộng và hơn 1 sào chè. Năm 2012, thấy nhiều người trong xóm nuôi dê nên anh Tuấn cũng bắt đầu nuôi Ban đầu chỉ nuôi 10 con, sau khoảng gần 1 năm dê xuất bán gia đình đã thu được hơn 20 triệu đồng. Từ đó đến nay, cùng với chăn nuôi lợn, anh Tuấn duy trì nuôi từ 30-40 con/lứa. Anh vừa bán đàn dê gần 40 con, thu được trên 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng gần 70 triệu đồng.

 

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân xã Hợp Thành đã được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2011, mức thu nhập bình quân đầu người là 8 triệu đồng/người/năm thì năm 2014 đã đạt 13 triệu đồng/người/năm. Thu nhập tăng, tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng giảm rõ rệt. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 20%, giảm 31,3% so với năm 2011.