Khấm khá từ đồng vốn chính sách

16:18, 14/05/2015

Nếu nhìn vào cơ ngơi hiện tại của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thủy, ở xóm Đồi, xã Nam Tiến (Phổ Yên) hẳn nhiều người sẽ không thể nghĩ chỉ vài tháng trước, đây còn là hộ cận nghèo.  

Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, chị Thủy bảo đó là nhờ số tiền vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Mặc dù được đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Tiến đích thân đưa vào tận nhà chị Thủy để tìm hiểu việc sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH (do Hội Nông dân nhận ủy thác), nhưng chúng tôi vẫn ngỡ có sự nhầm lẫn nào đó, bởi một số tài sản hiện có trong nhà chị không dễ thấy ở những hộ có điều kiện kinh tế “cận nghèo”. Đầu tiên là chiếc tivi màn hình phẳng 32 inch còn rất mới. Cạnh đó chiếc tủ lạnh, rồi xe máy… Mấy anh cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cũng chung suy nghĩ với tôi nên hỏi vui:

 

- Nhìn nhà cửa anh chị thế này ai nghĩ là của hộ cận nghèo?

 

- Đúng là hộ em không còn cận nghèo nữa, mà đã thoát cận nghèo từ đầu năm nay. Nhưng chỉ gần 1 năm về trước, nếu các anh chị về thăm, chắc chắn sẽ không nói như thế.

 

Nói rồi, chị Thủy kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình từ khi bắt đầu ra ở riêng. Chị lấy chồng năm 2005, đến cuối năm 2009 thì được bố mẹ chồng cho ra ở riêng, với của hồi môn vỏn vẹn chỉ có hơn 2 sào ruộng. Cuộc sống vốn đã khó lại càng khó hơn khi chồng chị bị bệnh về cột sống nên mọi việc nặng nhọc trong gia đình đều phải trông cậy cả vào chị. Gia đình nội ngoại hai bên cũng còn nhiều khó khăn nên để làm được ngôi nhà cấp 4 gồm 1 gian khách, 1 gian ngủ, lợp Proximang, ngoài dốc hết toàn bộ vốn liếng bao năm dành dụm được, anh chị đã phải vay nợ thêm hơn 10 triệu đồng. Lúc làm nhà xong, bố mẹ chồng còn phải cho vợ chồng chị tiền đào giếng, còn anh trai thì sắm cho chiếc máy bơm trị giá 1,1 triệu đồng. Nhưng ngặt nỗi, giếng đào xong lại không có nước. Vì thế, suốt 3 tháng trời, ngày nào chị cũng phải còng lưng đi xin nước về dùng. Chị bảo: “Chiếc máy bơm khi đó tuy không có tác dụng nhưng lại là tài sản có giá trị nhất của vợ chồng tôi”. Tháng 2-2010, gia đình chị được vay 8 triệu đồng từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH. Khi này, chị mới có điều kiện để khoan giếng và mới chấm dứt được cảnh đi xin nước.

 

Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, tháng 6-2013, Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm đã bình xét cho gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo của NHCSXH. Từ số tiền này, tôi mua 1 con bò con và 1 con bò mẹ vừa chửa được nửa tháng. 6 tháng sau, tôi bán con bò con được 15 triệu đồng. Có tiền, tôi quyết định đầu tư vào việc học may đo quần áo. Lại nói về con bò mẹ, sau 9 tháng nuôi thì đẻ. Tôi nuôi con bê này cũng được 6 tháng thì bán được 15,5 triệu đồng. Thời gian này cũng là lúc tôi học xong nghề may nên đã dùng số tiền bán bò để mua máy khâu, máy vắt xổ, đóng bàn và vải vóc về mở hiệu may tại nhà. Tính đến nay, tôi đã làm may được gần 10 tháng. Với tiền công may 1 bộ quần áo trên dưới 150 nghìn đồng, trung bình mỗi ngày may được 1 bộ, nên mỗi tháng tôi thu nhập từ 4-5 triệu đồng. Với nguồn thu này, không những vợ chồng chị có điều kiện để trang trải thêm cuộc sống mà còn có “của để”, mua sắm được những vật dụng cần thiết và đầu tư mở rộng cửa hàng. Số nợ hơn 10 triệu đồng khi làm nhà cũng đã được trả xong.

 

Chị Thủy tâm sự: Chỉ sau nửa năm mở hiệu may, từ năm 2015 này, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo. Tôi thầm cảm ơn đồng vốn này rất nhiều, nhờ có nó mà tôi mới có điều kiện để học nghề và giờ thì có được công việc ổn định. Chị Thủy còn “khoe”: Vợ chồng tôi vừa được ông bà nội cho mảnh vườn hơn 1 sào nên hôm trước đã mua 20 cây bưởi Diễn về trồng. Tôi dự tính sẽ trồng khoảng 50 cây ăn quả các loại để gia đình vừa được ăn, lại vừa có thêm thu nhập. Ngoài ra, chỉ ít ngày nữa thôi, con bò mẹ sẽ đẻ lứa 2, bởi thế tôi hoàn toàn yên tâm khi nghĩ đến việc trả nợ ngân hàng vào tháng 6-2016 và hiện đang dự tính đầu tư một số loại máy để chồng làm dịch vụ rửa xe tại nhà.