Na Mao đề ra định hướng đúng để phát triển kinh tế

17:07, 14/05/2015

Na Mao là một xã miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Huyện Đại Từ. Xã có 14 xóm, tổng số 843 hộ, với 3.332 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc chung sống.

Trong đó tỷ lệ đồng bào là người Dân tộc thiểu số chiếm 64,9%. Với đặc điểm của một xã miền núi nên Na Mao cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn: xa trung tâm huyện; xa đường quốc lộ; không có chợ; cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chưa phát triển. Vì vậy, nguồn thu ngân sách trên địa bàn xã thấp không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế- xã hội, Na Mao xác định không có lợi thế về phát triển thương mại-dịch vụ nên trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã đề ra mục tiêu chính vẫn là phát triển nông nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực chính là: trồng trọt và chăn nuôi. Xác định như vậy nên từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã đã tích cực vận động bà con khai thác tối đa tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế; đồng thời có chủ trương tập trung vào một số cây, con để đầu tư, thâm canh, tăng diện tích. Ví dụ, trong trồng trọt, xã chủ trương phát triển mạnh cây chè và cây lúa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, xã vận động bà con tích cực thay thế giống chè trung du cho năng suất thấp chuyển sang những giống chè dâm cành cho năng suất cao. Khai thác các diện tích còn trống, diện tích đất vườn tạp để tăng diện tích. Vì vậy, đến nay toàn xã đã có 15 ha chè, trong đó chè kinh doanh là 90 ha với sản lượng chè búp tươi đạt 891 tấn, tăng 3,5% kế hoạch năm 2014, bằng 107% so với năm 2014; riêng năm 2014 trồng mới thêm 14 ha; tỷ lệ chè giống mới của đã đạt 43% trên tổng diện tích chè kinh doanh. Đi đôi với trồng chè, vận động bà con tận dụng các diện tích có thể cấy được để trồng lúa nhằm đảm bảo diện tích gieo cấy lúa, màu và an ninh lương thực nên những năm qua, tổng sản lượng lương thực có hạt đều đạt kế hoạch được giao (năm 2014 đạt 1.987,5 tấn, tăng 10,3% so với kế hoạch huyện giao, bằng 101,5% so với cùng kỳ năm 2013). Trong chăn nuôi, xã chú trọng phát triển con lợn và gia cầm, thủy cầm. Từ đó luôn quan tâm đến công tác tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đồng thời, tranh thủ các nguồn lực, các tổ chức bên ngoài, tạo điều kiện cho bà con vay vốn để phát triển chăn nuôi. Vì vậy, đàn trâu, bò và đàn lợn luôn được duy trì và phát triển, vượt chỉ tiêu giao hàng năm; đặc biệt đàn lợn năm 2014 tăng 33,94%; đàn gia cầm, thủy cầm tăng 50% kế hoạch. Ngoài ra còn khuyến khích các hộ gia đình  tận dụng mặt nước ao hồ để chăn thả các loại giống cá truyền thống như chép, trắm, trôi, mè) chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt hộ gia đình. Sản lượng thủy sản đạt 8,7 tấn/ ha/ năm bằng 120% kế hoạch, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Nhiều hộ gia đình đã phát triển theo mô hình trang trại. Năm 2011 xã chỉ có 5 hộ gia đình đạt qui mô trang trại, nay đã có 11 trang trại. Trong đó điển hình phải kể đến gia đình anh Đặng Minh Tú là một trong những hộ gia đình đầu tư chăn nuôi co quy mô lâu năm tại xã. Anh Đặng Minh Tú cho biết: “Trang trại của tôi được xây dựng từ năm 2005, thời gian đầu tôi cũng phải bỏ rất nhiều công sức để đi học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình trong và ngoài tỉnh nên tôi đã tập trung vào chăn nuôi lợn nái với quy mô lớn. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm gia đình tôi xuất chuồng từ  từ 700 – 750 con lợn tách sữa. Từ đó đã giúp cho cuộc sống gia đình tôi được cải thiện rất nhiều”. Hoặc gia đình ông ông Âu Xuân Định thuộc xóm Cầu Bất, xã Na Mao, nguyên là Chủ tịch Hội CCB xã, sau khi nghỉ hưu ông đã quyết định mở trang trại từ năm 2012 đến nay. Với diện tích chuồng trại rộng khoảng 6.000m2, mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 250- 300 con lợn thịt nên đã cho thu nhập khá.   

 

Theo ông Hoàng Văn Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Na Mao cho biết: Để hỗ trợ bà con trong phát triển kinh tế, đi đôi với phát huy nội lực của người dân, xã đã tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư cho phát triển như: tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, với kinh phí hỗ trợ của tỉnh hơn 400 triệu đồng, xã đã đầu tư, nâng cấp và xây mới tuyến mương sau trạm bơm Trà Ri phục vụ nước tưới khu vực Đồng Chòi, xóm Minh Lợi và Chính Tắc; tiếp nhận trên 160 tấn xi măng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh xây dựng được 960 mét đường bê tông; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng 2 tuyến đường giao thông nhằm tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân và thông thương hàng hóa. Ngoài ra, xã còn tiếp nhận 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ xuất nông nghiệp cho những xã được hưởng chương trình 135 đầu tư trực tiếp bằng các loại máy móc, trang thiết bị cho các hộ nghèo phục vụ sản xuất nông nghiệp.    

 

Từ việc xác định được chủ trương đúng hướng đến triển khai những giải pháp tích cực, nên xã Na Mao đã có bước khởi sắc trong phát triển kinh tế- xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được nâng cao. Năm 2014, tổng thu nhập bình quân ước đạt 13 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm 3,4%, đạt 41,46% kế hoạch HĐND xã và chỉ tiêu huyện giao. Nhìn lại nhiệm kỳ 2010-2015 các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt và vượt chỉ tiêu. Điều đó thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có hiệu quả của đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã Na Mao. Tuy nhiên, hiện nay toàn xã vẫn còn 319 hộ nghèo (chiếm 38,81%) và 172 hộ cận nghèo (chiếm 20,92%). Vì vậy, Đảng bộ xã xác định hướng phát triển kinh tế trong những năm tới vẫn là: thâm canh, tăng diện tích cây chè và coi đây là cây mũi nhọn; còn chăn nuôi là hướng để bà con tăng thu nhập và làm giàu”. Tiếp tục duy trì Câu lạc bộ chăn nuôi của xã và giao cho Hội Nông dân xã nâng cấp thành lập Hợp tác xã chăn nuôi để giúp bà con phát triển chăn nuôi. Đây cũng là cách để xã đạt được tiêu chí về hình thức sản xuất trong những năm tới. Đồng thời phấn đấu trong nhiệm kỳ tới đạt từ 15 đến 16 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, (phấn đấu trong tháng 6-2015 đạt 11 tiêu chí) từng bước đưa Na Mao phát triển mạnh về kinh tế và cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống người dân.