Mặc dù không phải là hiện tượng phổ biến nhưng đã có một số trường hợp sau khi mua đất qua hình thức đấu giá đã phải chịu thiệt thòi do phần đất sau khi mua không giống như bản đồ quy hoạch, thậm chí có chỗ còn chưa giải phóng xong mặt bằng khiến người mua phải chấp nhận chuyển đổi tới khu đất khác…
Anh N.Đ.H mua một mảnh đất theo hình thức đấu giá tại huyện P năm 2011. Khi đó, theo bản đồ quy hoạch, khu đất được đấu giá không hề thể hiện có nghĩa trang nằm ở phía đằng sau, còn lô đất anh đăng ký mua là lô 2 mặt đường. Sau khi làm xong thủ tục nộp tiền và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (xin gọi tắt là bìa đỏ) thì gia đình anh chuyển nhà đến nơi khác sinh sống. Do đó, ngày huyện bàn giao mốc giới cho các hộ, anh đã phải nhờ người quen đi nhận hộ.
Đầu tháng 5 vừa qua, anh có nhu cầu xây nhà nên đã đến tận nơi để biết chính xác mảnh đất đó của gia đình nằm ở vị trí nào. Anh đã vô cùng thất vọng khi thấy ngay phía sau lô đất (chỉ cách vài chục mét) là khu nghĩa trang với vài chục ngôi mộ cũ mới và 1 nhánh đường trước kia được quy hoạch chạy thẳng vào khu dân cư khác thì đã bị án ngữ bởi hàng rào của một nhà máy gần đó (nói nôm na đó là đường cụt). Khá bức xúc trước hiện trạng lô đất, anh đã hỏi người quen làm ở phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì được giải thích: Đúng là trước đây theo quy hoạch không có nghĩa trang, nhưng vì trong khu vực đó không còn quỹ đất để bố trí nghĩa trang ra nơi mới nên không những nghĩa trang cũ không được dịch chuyển mà còn phình to hơn do hàng chục ngôi mộ nằm rải rác trên phần đất bị giải phóng cũng được mang về đó tập kết. Còn lý do một nhánh đường trở thành đường cụt là vì một nhà máy gần đó có nhu cầu mở rộng nhà xưởng (sau thời gian huyện tổ chức bán đấu giá đất) về phía đằng sau (đến sát khu vực nghĩa trang) và đã được huyện chấp thuận. Vì có quan hệ quen biết với một số lãnh đạo huyện nên anh H không muốn làm lớn chuyện mà đành ngậm ngùi cho qua, nhưng trong lòng thì rất ấm ức. Anh bảo: Nếu tôi biết lô đất có hiện trạng như bây giờ thì có bán bằng nửa số tiền lúc đó, tôi cũng không mua.
Trường hợp khác của chị T.H.T cũng mua đất bằng hình thức đấu giá ở huyện Đ năm 2010. Sau khi đấu giá thành công, chị T cũng đã được cấp bìa đỏ nhưng do chưa có nhu cầu làm nhà, hơn nữa nhà chị đang ở lại cách xa mảnh đất nên vợ chồng chị chẳng mấy khi để ý đến mảnh đất đã mua. Năm ngoái, khi con trai lấy vợ, nơi làm việc của con dâu gần với mảnh đất nên vợ chồng chị quyết định xây nhà cho con trên mảnh đất đó. Vậy nhưng mới đây, chị được huyện Đ thông báo do có 1 hộ dân nằm ngay trên đường vào mảnh đất của gia đình chị không chịu di dời khiến những lô đất ở phía trong dù đã được bán đấu giá (trong đó có lô đất của chị) không có đường đi. Trước thực tế này, UBND huyện Đ đã thỏa thuận với một số hộ dân sẽ bố trí đến một địa điểm khác. 2 mảnh đất cũ và mới sẽ được định giá ở thời điểm hiện tại, nếu có sự chênh lệch thì bên mua hoặc sẽ được nhận lại 1 phần tiền, hoặc sẽ phải nộp thêm. Chị T bảo, cũng may là địa điểm mảnh đất mà huyện đổi cho chị gần với chỗ làm việc của cậu con trai nên chị thấy không có vấn đề gì lớn, còn những hộ mà có nội, ngoại hoặc nơi công tác gần đó thì tâm lý chung là không thích.
Không chỉ có mua đất đấu giá, có cả trường hợp được bố trí tái định cư cũng gặp phải những điều rủi ro tương tự. Cách đây mấy năm, chị bạn tôi sau khi đã nộp tiền và được cấp bìa đỏ sau đó mới biết một phần mảnh đất vẫn đang nằm trong bìa đỏ của một hộ khác. Phải gần 1 năm sau, diện tích đất đó mới được chính quyền địa phương giải phóng xong mặt bằng. Lúc này, chị H mới có thể xây nhà.
Qua các trường hợp nêu trên, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng trước khi thực hiện đấu giá hoặc bàn giao đất tái định cư cho người dân. Đừng để người dân cảm thấy bất an và phải gánh chịu những thiệt thòi không đáng có khi mà phần lỗi thuộc về chính quyền địa phương. Đừng vì yêu cầu thu ngân sách trước mắt của địa phương mà không đảm bảo các lợi ích cần thiết của người dân. Mong rằng những trường hợp tương tự sẽ không xảy ra.