Cùng với ngành Thuế cả nước, ngành Thuế Thái Nguyên đang tích cực triển khai các bước cho việc nộp thuế điện tử (NTĐT), nhằm tiếp tục giảm số giờ nộp thuế cho doanh nghiệp (DN). Theo lộ trình, đến hết tháng 5-2015 phải có ít nhất 90% số DN trên địa bàn đăng ký NTĐT.
Tất cả đã sẵn sàng
Ông Đỗ Trọng Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Để chuẩn bị cho việc NTĐT, trong tháng 4, Cục Thuế đã thực hiện xong việc nâng cấp hệ thống phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin; thành lập tổ chỉ đạo và tổ triển khai mở rộng khai thuế qua mạng và NTĐT; làm việc các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số để phối hợp triển khai thực hiện; đã tiến hành tập huấn cho các DN do Cục và Chi cục Thuế T.P Thái Nguyên quản lý về NTĐT. Ở các huyện, thị còn lại sẽ hoàn thành việc tập huấn trong tháng 5 này. Trước đó, tính đến cuối năm 2014, 100% DN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xong việc kê khai thuế qua mạng. Đây vừa là bước đệm, vừa là điều kiện cho việc NTĐT, nhằm giảm số giờ nộp thuế của DN theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2015-2016.
NTĐT là dịch vụ cho phép người nộp thuế lập giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước (NSNN) trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế và được ngân hàng thương mại xác nhận kết quả tức thời. Tính đến đầu tháng 5, trên địa bàn tỉnh có 5 ngân hàng thương mại đã tích hợp hệ thống với Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện NTĐT, gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV); Nông nghiệp và PTNT (Agribank); TMCP Công Thương (VietinBank), TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) và TMCP Quân đội (MB). Một số ngân hàng thương mại khác, hiện đang tiến hành cài đặt tích hợp hệ thống với cơ quan Thuế để trong thời gian tới cũng sẽ tham gia vào quá trình NTĐT của DN.
Tiếng nói từ doanh nghiệp
Qua trao đổi với một số lãnh đạo và kế toán DN sau khi được cơ quan Thuế tập huấn về NTĐT, điều mà chúng tôi nhận thấy là sự đồng tình, ủng hộ. Ông Lương Thanh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Kế toán và Tài chính, Nhà máy Luyện thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) chia sẻ: Từ việc kê khai thuế qua mạng, chúng tôi đã thấy được sự tiện ích mà dịch vụ này mang lại. Giờ nộp thuế cũng được điện tử hóa, tôi tin là sẽ giúp DN giảm thêm được số giờ nộp thuế. Còn theo chị Phan Thị Ngọc Bích, kế toán Công ty Vina CTS (Khu công nghiệp Điềm Thụy): Khi mới nghe về NTĐT, tôi còn có phần băn khoăn về tính bảo mật và sự phức tạp, nhưng qua tập huấn, được Cục Thuế tỉnh hướng dẫn chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục và các bước NTĐT thì tôi thấy hoàn toàn yên tâm. Tôi cảm nhận, có lẽ NTĐT còn đơn giản hơn cả việc kê khai qua mạng.
Hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đăng ký sử dụng dịch vụ NTĐT:
Bước 1: Người nộp thuế thực hiện đăng ký sử dụng dịch vụ NTĐT trên Cổng thông tin điện tử http://kekhaithue.gdt.gov.vn (theo mẫu 01/ĐK-NTĐT), ký số và gửi thông tin kê khai đến Công thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Bước 2: Người nộp thuế tải bản đăng ký ủy quyền trích nợ tài khoản với ngân hàng trên Công thông tin điện tử gửi đến ngân hàng thương mại (NHTM) - nơi mở tài khoản NTĐT.
Bước 3: Người nộp thuế khai thác thông tin, sau đó đến chi nhánh NHTM để thực hiện thủ tục đăng ký ủy quyền trích nợ tài khoản cho dịch vụ NTĐT.
Bước 4: Sau khi chi nhánh NHTM duyệt đăng ký, người nộp thuế nhận thông tin chấp nhận đăng ký sử dụng dịch vụ NTĐT qua email đã đăng ký kèm với mật khẩu đăng nhập cho dịch vụ NTĐT.
* Người nộp thuế có thể tải hướng dẫn sử dụng dịch vụ NTĐT trong phần trợ giúp trên cổng thông tin http://kekhaithue.gdt.gov.vn |
Nhìn nhận ở một góc độ sâu xa hơn, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNG cho rằng: NTĐT chính là đòi hỏi và là xu thế tất yếu của xã hội, là nhu cầu của DN, giúp DN giảm được số giờ nộp thuế trong năm. Điều này sẽ góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cũng như giảm được việc sử dụng tiền mặt trong lưu thông theo chủ trương của Chính phủ nhằm tiết kiệm chi phí xã hội; giảm thiểu rủi ro do thanh toán bằng tiền mặt; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn; góp phần cải thiện tính minh bạch trong các hoạt động kinh tế.
An toàn và những tiện ích
Tham gia vào việc NTĐT với vai trò là cầu nối giữa DN với Nhà nước (thông qua kho bạc Nhà nước), các ngân hàng thương mại có trách nhiệm đảm bảo các giao dịch trích nợ từ tài khoản của người nộp thuế được thực hiện an toàn, bảo mật, đúng quy định. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm chuyển chứng từ NTĐT sang chứng từ giấy khi người nộp thuế có yêu cầu; đảm bảo bảo mật thông tin dữ liệu của người nộp thuế trong quá trình cung cấp dịch vụ NTĐT... Tại buổi làm việc giữa Cục Thuế tỉnh với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, đại diện lãnh đạo 5 ngân hàng thương mại đã tích hợp với hệ thống Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế cho biết đã sẵn sàng cho việc triển khai và vận hành hệ thống dịch vụ NTĐT.
Qua thực tế triển khai thí điểm ở một số tỉnh thời gian qua cho thấy, NTĐT mang đến rất nhiều lợi ích, trong đó DN là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch với cơ quan thu NSNN và ngân hàng, DN có thể thực hiện việc nộp thuế bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu miễn là máy tính kết nối được với Internet và được ngân hàng thương mại xác nhận kết quả giao dịch tức thời khi gửi giấy nộp tiền. DN có thể tra cứu, tải các thông báo, giấy nộp tiền trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế; theo dõi được tình hình nộp ngân sách Nhà nước qua tài khoản và được sử dụng các dịch vụ gia tăng ưu đãi khác của ngân hàng. DN hoàn toàn yên tâm về chữ ký số đã đăng ký với cơ quan Thuế, bởi nó chỉ được sử dụng để NTĐT chứ tuyệt đối không thể sử dụng vào bất kỳ một giao dịch thanh toán nào khác. Ngành Thuế Thái Nguyên phấn đấu đến cuối tháng 5-2015 sẽ có ít nhất 90% DN trên địa bàn tỉnh thực hiện việc NTĐT.