30 năm làm chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 9 năm làm Trưởng xóm, điều mong muốn nhất của ông Phạm Trung An là đời sống của xã viên được ấm no. Điều đó giờ đã trở thành hiện thực.
Nói về ông Phạm Trung An, nhiều người dân của xóm Phúc Thành (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ) luôn dành tặng cho ông những lời khen ngợi: Nhiệt tình, năng động trách nhiệm vì công việc chung. Cuộc trò chuyện giữa tôi với ông An liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại trao đổi về công việc của xóm. Là Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Phúc Thành, lại thêm chức Trưởng xóm nên chẳng mấy khi ông An được thư thả. Nói về công việc của mình, ông chia sẻ: Khi mình gánh vác cả hai vai thì có nhiều thuận lợi, điều hành công việc cũng dễ dàng hơn. Được biết, các thành viên trong Ban Quản lý được các xã viên khoán trắng cho công tác điều hành, quản lý 5,8 triệu đồng, bình quân mỗi thành viên Ban Quản lý HTX nhận được phụ cấp là 120.000 đồng/người/tháng. Ông An bảo: Với tinh thần tự nguyện cống hiến cho cộng đồng nên dù phụ cấp ít ỏi chúng tôi vẫn vui vẻ tham gia…
HTX nông nghiệp Phúc Thành được thành lập từ năm 1960. Năm 1996 được chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, ông Phạm Trung An được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm với 74 xã viên. Cũng trong năm này, HTX được hưởng lợi từ 1 dự án của Canada đầu tư trạm điện và trạm bơm điện với tổng trị giá 180 triệu đồng. Có nguồn nước thuận lợi nên người nông dân ở Phúc Thành đã đưa những giống lúa có năng suất cao vào sản xuất. Không chỉ cấy lúa, xã viên còn đẩy mạnh trồng cây ăn quả, chè và trồng rừng. Hiện, diện tích cây ăn quả của xóm là 15ha, chủ yếu là nhãn và vải; 50ha rừng. Nghề nuôi ong cũng đã được nông dân chú trọng. Ban đầu chỉ có 10 thùng ong do dự án hỗ trợ, giờ nghề nuôi ong cũng phát triển khá mạnh và đã đem lại nguồn thu lớn cho người dân nơi đây. Anh Phạm Văn Trường, con trai ông An cho biết: Hiện, xóm có khoảng 45 hộ nuôi ong, với 1.200 thùng ong; năm ngoái thu gần 15 tấn mật. Xóm cũng đã thành lập được Câu lạc bộ nuôi ong với 45 thành viên, hoạt động theo tinh thần tự nguyện và liên kết để phát triển nghề nuôi ong mật. Các thành viên trong Câu lạc bộ thường xuyên giúp đỡ và hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi ong. Cũng nhờ đó mà số số hộ khá và giàu của xã chiếm 47%, trong tổng số 129 hộ, xóm không còn hộ nghèo.
Có lẽ ít trưởng xóm và Chủ nhiệm HTX trong tỉnh có dịp sang một số nước bạn để học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế nông nghiệp như ông An. Ông từng tới Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan theo chương trình của Hiệp hội ASEAN dành cho các Trưởng thôn và Chủ nhiệm HTX tiêu biểu và học được ở đó rất nhiều điều. Ông An cho biết: HTX bên Thái Lan làm tín dụng hoạt động như một ngân hàng. Xã viên gửi tiền vào quỹ tín dụng của HTX, và người nông dân khi vay tiền của Quỹ cũng rất thuận lợi bởi thủ tục nhanh gọn và dễ dàng.
Nói về sản xuất nông nghiệp, nếu so quy mô sản xuất giữa của nông dân nước mình và nước bạn thì cũng như nhau nhưng điều mà họ hơn mình là xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Đưa cho tôi xem bức ảnh chụp sản phẩm đóng chai HTX bên Thái Lan, ông An khẳng định: Mật ong của nông dân mình và bên họ chất lượng chắc cũng như nhau nhưng sản phẩm của họ hơn ở chỗ nhờ có thương hiệu rõ ràng, trên sản phẩm ghi rõ nơi sản xuất nên được khách hàng ưa chuộng. Được biết, trước đây nông dân xóm Phúc Thành cũng đã từng phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện đưa giống bí Đài Loan, bí Nhật vào trồng nhưng do không có thị trường tiêu thụ nên người dân không mấy mặn mà. Nói về điều này, ông Phạm Trung An trăn trở: Nếu như có thương hiệu như các HTX ở nước bạn thì sản phẩm nông nghiệp sẽ có thị trường tiêu thụ thuận lợi. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp mà trước hết là mật ong. Câu lạc bộ sẽ đầu tư mua máy tách thủy phân (nước trong mật ong) để sản phẩm bảo đảm chất lượng. xây dựng thương hiệu của mặt hàng, sản phẩm hàng hóa mình làm ra. Nhà nước cũng cần nghiên cứu và triển khai rộng rãi, bởi trong cơ chế thị trường hiện nay, ngoài HTX còn có các tổ đội hợp tác, nơi nào có điều kiện thì tạo cơ hội cho các tổ đội, hợp tác xã nơi đó hoạt động. Muốn đổi mới trong cơ chế thị trường cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp; hoạch định, có vốn cho đầu tư thực hiện dự án thì tự người nông dân sẽ mở rộng sản xuất.