"Cởi trói" ngành hàng sắt thép, xi măng

17:36, 17/06/2015

Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm nay dự ước tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước là kết quả đáng phấn khởi mà lâu nay hiếm khi chúng ta thực hiện được.

Điều đáng chú ý là ngành hàng sắt thép, xi măng sau một thời gian dài có chỉ số tồn kho lớn và luôn đạt sản lượng thấp thì hiện tại lại tiêu thụ khá tốt. 

 

Nói "cởi trói" cho ngành hàng sắt thép, xi măng là hoàn toàn đúng bởi chúng ta đều biết trong những năm gần đây, tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi kéo theo sự sụt giảm sản lượng của một số ngành hàng, trong đó có sắt thép, xi măng. Các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này không ít lần phải điêu đứng vì khó tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến sản xuất đình trệ. Vậy nhưng thời gian gần đây, khi nhu cầu vật liệu xây dựng tăng, hàng hóa lưu thông thuận tiện hơn, chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ không còn đáng kể đã giúp các đơn vị sản xuất vượt qua khó khăn, dần lấy lại chỗ đứng.

 

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều hài lòng vì thị trường sắt thép, xi măng không còn ngột ngạt nữa. Theo thống kê, hiện tại sắt thép trong toàn tỉnh chỉ còn tồn khoảng 45 nghìn tấn, giảm tới 16,7% so với cùng kỳ năm trước, xi măng tồn khoảng 60 nghìn tấn. Thời gian trước, do hai sản phẩm công nghiệp chủ lực này tồn đọng nhiều, có lúc lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi loại nên đã kéo chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng cao. Hiện nay, khi ngành hàng này giảm mạnh, đương nhiên cũng kéo chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp địa phương giảm. Chính điều đó đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển. Theo báo cáo từ Sở Công Thương thì trong hai quý đầu năm nay, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 169 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch năm, vượt trên 10% kế hoạch đề ra của 6 tháng. Trong các sản phẩm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước thì sắt thép và xi măng đứng ở tốp đầu, cùng với sản phẩm điện tử và hàng may mặc. Cụ thể, trong 6 tháng dự ước sản lượng sắt thép các loại sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt 450 nghìn tấn, tăng tới 35,2% cùng kỳ và đạt 66,2% kế hoạch cả năm; xi măng ước đạt 1,4 triệu tấn, tăng 37,3% cùng kỳ và bằng 67,2% kế hoạch năm.

 

Tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (đơn vị có sản lượng thép cán các loại lớn nhất tỉnh) thời điểm này các dây chuyền sản xuất thép đều vận hành ổn định, tình trạng phải ngừng lò như một vài năm trước không còn. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng đơn vị sản xuất và tiêu thụ được từ 70 đến 75 nghìn tấn thép xây dựng các loại và chỉ để tồn kho khoảng 20 nghìn tấn. Riêng tháng 5 và tháng 6, sản lượng thép của Công ty dự kiến đạt trên 80 nghìn tấn mỗi tháng. Cũng có hoạt động sản xuất tượng tự, Công ty NatSteel Vina trung bình mỗi tháng sản xuất và tiêu thụ được khoảng 13 nghìn tấn thép cán các loại, trong đó hai tháng 4 và 5 đạt sản lượng cao nhất, khoảng 15 nghìn tấn mỗi tháng. Hiện lượng thép tồn kho của đơn vị không lớn, khoảng 4 nghìn tấn.

 

Với xi măng, 3 nhà máy sản xuất chủ đạo là Xi măng Quang Sơn, Xi măng Quán Triều và Xi măng La Hiên, trung bình mỗi tháng, đơn vị sản xuất thấp nhất cũng đạt khoảng 50 nghìn tấn, cao nhất đạt trên 110 nghìn tấn xi măng các loại. Lượng hàng tồn kho cũng giảm đáng kể theo từng tháng. Xi măng Quán Triều hiện tồn kho khoảng 10 nghìn tấn xi măng bột, không tồn kho xi măng đóng bao; Xi măng Quang Sơn tồn kho khoảng 30 nghìn tấn; Xi măng La Hiên hiện không có hàng tồn kho. Theo lãnh đạo 3 đơn vị sản xuất xi măng nói trên, gần như chưa bao giờ lượng xi măng tồn kho lại thấp như thời điểm hiện nay. Điều đó giúp các doanh nghiệp tăng công suất vận hành, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động và đảm bảo duy trì nguồn tài chính thường xuyên phục vụ sản xuất.

 

Việc ngành hàng sắt thép, xi măng được "cởi trói" và bước đầu lấy lại vị trí trên thị trường là điều đáng mừng đối với ngành công nghiệp trong nước, bởi gần đây khu vực này đang bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lấn át. Chính nhờ hai loại sản phẩm sắt thép và xi măng có mức tăng mạnh nên 6 tháng đầu năm nay, khu vực công nghiệp trong nước đạt giá trị trên 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp Trung ương tăng 15,3%, khu vực công nghiệp địa phương tăng 0,4%... Đây là tiền đề quan trọng giúp cho ngành công nghiệp địa phương rút dần khoảng cách với khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo sức bật để sản xuất công nghiệp của tỉnh năm nay sớm về đích.