Sau nhiều năm nghiên cứu, khảo nghiệm giống lúa Japonica, Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp đưa vào hệ thống khảo nghiệm Quốc gia giống lúa chất lượng cao J02.
Đây là giống lúa thuần chất lượng cao của Nhật Bản, được Bộ Nông nghiệp - PTNT đặc cách bổ sung vào cơ cấu giống lúa Quốc gia từ năm 2014.
Từ vụ xuân năm 2014 và 2015, giống lúa J02 đã bén rễ trên đồng đất Định Hóa. Để người dân địa phương yên tâm trong quá trình sản xuất, nhân rộng giống lúa này, Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cam kết bảo hiểm năng suất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ông Đào Phương Tuấn, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Bắt đầu từ vụ xuân năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình cánh đồng một giống (với giống lúa J02) có quy mô 2ha tại xã Bình Thành, với 9 hộ nông dân tham gia. Đến vụ xuân năm nay, Trạm tiếp tục triển khai thực hiện phương án sản xuất cánh đồng một giống lúa J02 tại các xã Bảo Cường và Bình Thành, với quy mô 25ha, có 193 hộ nông dân tham gia (trong đó xã Bảo Cường thực hiện mô hình với diện tích 20ha). Đây là giống lúa có khả năng chịu rét tốt; sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khá; bộ lá đứng gọn khỏe, màu xanh đậm, ít nhiễm sâu bệnh hại, không nhiễm bệnh đạo ôn, bạc lá; chịu thâm canh, có tiềm năng năng suất cao, hạt gạo trong, cơm ngon, mùi thơm dịu rất đặc trưng. Kinh phí đầu tư thực hiện phương án sản xuất này là gần 295 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ nông dân 101 triệu đồng giá giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật; doanh nghiệp hỗ trợ phân bón trị giá 44,1 triệu đồng, còn lại các hộ dân đối ứng gần 80 triệu đồng (nông dân tham gia mô hình đối ứng 15.000 đồng/kg giá giống và 40% giá mua phân viên nén nhả chậm…).
Về hiệu quả thực tế của giống lúa này, anh Phùng Văn Toàn, Trưởng thôn Bãi Lềnh (xã Bảo Cường) cho biết: Mặc dù J02 là giống lúa mới nhưng ở thôn Bãi Lềnh bà con đã đưa vào gieo cấy tương đối nhiều trong vụ xuân năm nay (cả thôn có hơn 30 hộ dân tham gia). Gia đình tôi cũng cấy 6 sào, đến thời điểm này cây lúa phát triển khá tốt. Điều đáng ghi nhận là các hộ đều canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật và cùng khung thời điểm từ khâu gieo mạ, cấy đến chăm sóc, bón phân, điều tiết nước tưới, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện phương án sản xuất cánh đồng một giống lúa thuần chất lượng cao J02 (mới được tổ chức tại xã Bảo Cường), từ thực tế cho thấy giống lúa này có tiềm năng năng suất cao, đạt 64,5 tạ/ha (tương đương với 2,33 tạ/sào), trong khi giống đối chứng Khang dân chỉ đạt 55 tạ/ha (tương đương với 2 tạ/sào). Do mô hình cấy lúa J02 sử dụng phân viên nén nhả chậm nên chi phí đầu tư phân bón cũng thấp hơn so với giống đối chứng. Tổng thu 1 sào cấy giống lúa này gần 2,1 triệu đồng/sào, cao hơn so với giống đối chứng 697.000 đồng/sào.
Từ kết quả thực hiện mô hình cánh đồng một giống, ngoài hiệu quả kinh tế mà giống lúa J02 mang lại đó là năng suất và thu nhập, nông dân hai xã Bảo Cường và Bình Thành cũng đã phát huy được các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, đồng bộ và có hiệu quả trên cùng diện tích lớn. Điều phấn khởi nhất là Công ty CP giống vật tư nông nghiệp Công nghệ cao cam kết thu mua sản phẩm cho nông dân tại ruộng gặt với đơn giá là 9.000 đồng/kg thóc khô, cao hơn sản phẩm lúa Khang dân là 2.000 đồng. Hiện các hộ nông dân đăng ký bán sản phẩm cho Công ty khoảng 40 tấn. Có thể khẳng định, mô hình này đã tạo được số lượng sản phẩm hàng hóa tập trung, chất lượng tốt đồng nhất để có thể chủ động cung ứng tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở, doanh nghiệp thu mua chế biến lúa gạo. Thực tế cũng đã khẳng định, sản phẩm giống lúa thuần chất lượng cao J02 được người tiêu dùng ưa chuộng. Hy vọng giống lúa này được các cấp có thẩm quyền đưa vào cơ cấu giống trong sản xuất vụ xuân, đồng thời tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; có chính sách thu hút các tổ chức, doanh nghiệp liên kết thu mua sản phẩm để người dân yên tâm phát triển sản xuất.