Phát triển làng nghề truyền thống ở Thái Bình

09:26, 06/06/2015

Nằm ở châu thổ sông Hồng, nông dân Thái Bình không chỉ nức tiếng về thâm canh cây trồng mà từ lâu còn giỏi các nghề thủ công truyền thống.

Với hàng trăm làng nghề, trải qua bao thăng trầm, biến cố, nay được duy trì, phát triển, đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng chục vạn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Ðể thúc đẩy ngành nghề truyền thống phát triển, Tỉnh ủy Thái Bình khóa 16 (2001 - 2005) ra Nghị quyết số 01, ngày 5-6-2001, về phát triển nghề và làng nghề. UBND tỉnh ban hành tiêu chí công nhận các địa phương đạt danh hiệu "Làng nghề, xã nghề"; những cơ chế, chính sách nhằm phát triển nghề và làng nghề. Từ năm 2005, tỉnh Thái Bình cho phép các huyện, thành phố quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp, điểm công nghiệp làng nghề. Ðến nay, toàn tỉnh đã đưa 20 cụm công nghiệp và 22 điểm công nghiệp vào hoạt động, thu hút hàng trăm dự án vào đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. 15 năm qua (2001 - 2015), phong trào khôi phục, phát triển nghề và làng nghề liên tục phát triển. Ðến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã cấp bằng công nhận 145 làng nghề. Dẫn đầu là huyện Hưng Hà với 52 làng nghề, xã nghề; huyện Kiến Xương có 40 làng; huyện Quỳnh Phụ có 35 làng; các địa phương khác có từ 15 đến 20 làng, xã nghề.

Phong trào phát triển nghề và làng nghề ở Thái Bình đã mang lại lợi ích kinh tế -xã hội khá lớn. Năm 2000, giá trị sản xuất (tính theo giá cố định 1994) của các làng nghề mới đạt 660 tỷ đồng, đến năm 2005 đạt 1.408 tỷ đồng, năm 2010 đạt 2.520 tỷ đồng; năm 2014, đạt 7.127 tỷ đồng, chiếm 20,8% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn. Năm 2014, giải quyết việc làm cho hơn 150.000 người. Nhiều nơi, giá trị sản xuất của nghề và làng nghề chiếm từ 45 -50% trong tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế, đưa tốc độ phát triển kinh tế địa phương thời gian qua tăng bình quân 13 -14%/năm, như ở các xã: Thái Phương, Canh Tân, Tân Lễ (Hưng Hà); Hồng Thái, Lê Lợi (Kiến Xương); Vũ Hội, Nguyên Xá (Vũ Thư).

Mặc dù nghề và làng nghề ở Thái Bình thời gian qua phát triển, nhưng hiện tại chịu nhiều áp lực. Chất lượng và mẫu mã sản phẩm ít thay đổi. Hộ sản xuất và các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay cho sản xuất và thay đổi công nghệ. Nhiều khó khăn khác nảy sinh như giá điện, giá nguyên liệu tăng, trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Nhiều làng nghề bị ô nhiễm, chưa xử lý triệt để, đặc biệt là các làng dệt, chế biến lương thực, thực phẩm. Nhiều chủ doanh nghiệp làng nghề chưa được đào tạo bài bản...

Trước thực trạng đó, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng các khu công nghiệp, với mục tiêu phát triển nghề và làng nghề tập trung. Huyện Hưng Hà vận động nhiều chủ doanh nghiệp làng nghề dệt ở xã Thái Phương chuyển vào cụm công nghiệp, để doanh nghiệp thuận lợi trong việc tuyển dụng lao động, huy động vốn, giới thiệu sản phẩm và xử lý nước thải, chất thải... Công ty TNHH Toàn Thắng, sau ít năm chuyển vào cụm công nghiệp Ðồng Tu (xã Phúc Khánh), doanh nghiệp không chỉ giữ vững mặt hàng dệt khăn ăn, khăn tắm truyền thống, mà còn sản xuất nhiều mặt hàng mới, như dệt găng tay xuất khẩu, may hàng gia công xuất khẩu, thu hút 950 lao động tập trung, bảo đảm việc làm cho hơn 1.000 lao động vệ tinh của xã trong vùng, với mức thu nhập bình quân chung đạt 3,5 -4 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc Trần Xuân Vực cho biết: Từ khi đi vào hoạt động trong cụm công nghiệp, doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, tổng doanh thu sáu tháng đầu năm 2015 đạt hơn 60 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ năm 2014.

Trong công tác đào tạo nghề và quản lý kinh tế, Thái Bình chỉ đạo các trung tâm đào tạo nghề xây dựng chương trình theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Sở Công thương liên tục mở các lớp dạy nghề may xuất khẩu, sửa chữa máy nông nghiệp, điện nông thôn cho hàng trăm chủ doanh nghiệp ở các huyện và các làng nghề.

Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu trở thành tỉnh công nông nghiệp theo hướng hiện đại và có từ 50 -70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giám đốc Sở Công thương Thái Bình Vũ Ngọc Khiếu cho biết: Ðể duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, tỉnh có chính sách quan tâm đến công tác đào tạo, truyền nghề, dạy nghề; tôn vinh các doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi; ưu tiên tăng nguồn vốn khuyến công, vốn đào tạo dạy nghề, truyền nghề. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, hạ tầng cụm công nghiệp gắn với hệ thống xử lý môi trường. Có chính sách ưu tiên làng nghề truyền thống, đăng ký xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.