Tăng mạnh giá trị xuất khẩu - vui và chưa vui

15:24, 12/06/2015

Dự ước trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của tỉnh sẽ đạt con số kỷ lục là 8,4 tỷ USD, vượt tới 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

 Tuy nhiên, đang có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực xuất khẩu trong nước, nhất là xuất khẩu địa phương.

 

Trước tiên xin nói về những tín hiệu vui. Theo phân tích của các chuyên gia, giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm nay tăng mạnh chủ yếu vẫn do sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà nhân tố chính là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên. Trong những tháng vừa qua, trung bình mỗi tháng đơn vị này sản xuất và xuất khẩu được hơn 4,5 triệu chiếc điện thoại thông minh, trên 1,7 triệu chiếc máy tính bảng các loại, trong đó có khoảng 60% là điện thoại thông minh 4G và 40% là loại máy tính bảng 3G. Ngoài ra, hàng tháng, Công ty cũng sản xuất và xuất khẩu thêm từ 25 đến 30 nghìn chiếc bao da ốp lưng điện thoại di động. Kim ngạch xuất khẩu của Công ty ước đạt trên 8,12 tỷ USD, chiếm tới 92% tổng giá trị xuất khẩu của cả tỉnh.

 

Cùng với Samsung, một số doanh nghiệp FDI khác cũng có những đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu chung của khu vực này. Công ty Mani Hà Nội - đơn vị chuyên xuất khẩu dụng cụ y tế - những tháng đầu năm đã ký được hợp đồng khá ổn định với đối tác nước ngoài. Trung bình giá trị xuất khẩu của đơn vị này đạt khoảng 50 tỷ đồng/tháng. Theo lãnh đạo Công ty, trong những tháng tới khả năng giá trị xuất khẩu của đơn vị sẽ đạt cao hơn (bởi quý III và quý IV là thời điểm bạn hàng nhập khẩu mạnh để hoàn thành kế hoạch năm).

 

Một số đơn vị sản xuất hàng may mặc có nguồn vốn FDI như: Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội xuất khẩu trung bình từ 2,5 đến 2,9 triệu sản phẩm/tháng với giá trị đạt khoảng 46 tỷ đồng; Công ty may Banpo đạt doanh thu trung bình hàng tháng là 1,4 tỷ đồng với sản phẩm quần áo các loại xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, Trung Quốc. Còn với đơn vị chuyên sản xuất dụng cụ cầm tay là Công ty TNHH Wiha Việt Nam, mỗi tháng đều sản xuất và xuất khẩu trên 90 nghìn chiếc kìm các loại, khoảng 1,7 triệu chiếc đầu tuốc-nơ-vít với kim ngạch đạt khoảng 14 tỷ đồng. Tuy giá trị xuất khẩu không lớn nhưng Doanh nghiệp chế biến chè Yi Jiin cũng sản xuất và tiêu thụ ra thị trường nước ngoài khoảng 17 tấn chè đen, 30 tấn chè xanh mỗi tháng...

 

Theo ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dự ước 6 tháng đầu năm nay sẽ đạt giá trị xuất khẩu khoảng trên 8,2 tỷ USD, bằng 62,1% kế hoạch năm và tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, riêng khu vực này đã chiếm tới trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua của cả tỉnh. Lý giải việc tại sao xuất khẩu khu vực FDI vượt tới 4,3 lần so với cùng kỳ, ông La Hồng ninh cho biết: Năm 2014, Samsung Thái Nguyên chính thức cho ra sản phẩm xuất khẩu từ đầu quý II nên tính chung 6 tháng đầu năm giá trị kim ngạch đạt không lớn. Bởi vậy, so với 6 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu kém hơn nhiều lần là chắc chắn.

 

Tuy tính tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là rất cao, nhưng thực tế khu vực kinh tế trong nước (gồm cả trung ương và địa phương) lại đạt khá thấp. Không những vậy, theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh thì kim ngạch xuất khẩu khu vực này còn giảm từ 9,8% đến 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, dự ước 6 tháng đầu năm xuất khẩu địa phương chỉ đạt 82 triệu USD, bằng 28% kế hoạch năm; xuất khẩu trung ương đạt 10 triệu USD, bằng 35,5% kế hoạch năm. Trong khu vực này đóng góp chủ yếu vẫn là các sản phẩm may mặc của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Tuy vậy, dù TNG có đạt giá trị 55,7 triệu USD, tăng tới 55% so với cùng kỳ thì cũng không bù đắp nổi bởi các sản phẩm khác từng là thế mạnh của tỉnh lại không đạt được như mong muốn. Cụ thể như, sản phẩm chè xuất khẩu chỉ đạt giá trị 3,5 triệu USD, giảm 21,2% so với cùng kỳ; sản phẩm thiếc thỏi chỉ đạt 1,7 triệu USD, giảm 38%... Các chuyên gia cũng cho rằng, trong khu vực xuất khẩu nội địa thì xuất khẩu địa phương đạt mức kém nhất so với những năm trước. Lý do một phần là bởi, kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo trước đây đều được tính cho khu vực xuất khẩu địa phương thì nay không được tính nữa vì đơn vị này mới đây đã liên doanh liên kết với một doanh nghiệp của nước ngoài để đầu tư chế biến sâu khoáng sản. Điều đó hoàn toàn có lý bởi dự ước 6 tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu của Công ty này đạt khoảng 76 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,6% tổng giá trị xuất khẩu cả tỉnh.

 

Như vậy có thể thấy, bên cạnh tín hiệu vui của toàn tỉnh là có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước thì vẫn còn điều chưa vui bởi kim ngạch xuất khẩu khu vực trong nước, nhất là xuất khẩu địa phương lại đạt rất thấp. Các chuyên gia cho rằng, nếu không đẩy mạnh xuất khẩu địa phương thì sự chênh lệch phát triển không chỉ trong khu vực xuất khẩu mà trong toàn bộ nội tại nền kinh tế của tỉnh sẽ ngày càng lớn. Các doanh nghiệp địa phương, trong đó có không ít đơn vị xuất khẩu cần phải được quan tâm hơn nữa bằng cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường và tăng dần tỷ trọng xuất khẩu.