Thành công phải từ đam mê và kiên trì

16:18, 11/06/2015

Nhờ tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mạnh dạn, kiên trì trong sản xuất và kinh doanh, gia đình anh Phan Văn Thanh ở xóm Núi Hột, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) đã thoát nghèo và trở thành một trong những hộ có kinh tế khá của xã với mức thu nhập khoảng 180 triệu đồng mỗi năm.

Đến thăm cơ ngơi của gia đình anh Phan Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Miền, chúng tôi bắt gặp nụ cười tươi trên gương mặt rám nắng của anh, chị khi giới thiệu về khu nhà xưởng của gia đình: Khu sản xuất gạch không nung với 3 dây chuyền máy làm gạch công suất 2 nghìn viên gạch mỗi ngày; xưởng xẻ gỗ và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với các loại máy cưa, xẻ, đục hiện đại. Nối giữa hai khu nhà xưởng là khoảng sân rộng xếp ngay ngắn những viên gạch không nung chờ khô để xuất bán. Nhìn ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cùng với khu nhà xưởng của gia đình anh hiện tại, ít ai ngờ cách đây hơn 10 năm, gia đình anh Thanh khởi nghiệp chỉ với 2 bàn tay trắng.

 

Anh Thanh lập gia đình năm 1983, khi ấy hai vợ chồng chưa có nghề nghiệp gì, kinh tế gia đình chỉ trông vào ít ruộng. Anh tâm sự: Cuộc sống của chúng tôi lúc đó rất khó khăn, cơm ăn có lúc không đủ no, nhà ở thì dột nát. Vì thế, vợ chồng tôi luôn trăn trở làm gì để tăng thu nhập cho gia đình. Năm 1985, để vợ ở nhà làm ruộng 1 mình, anh Thanh đi làm thuê các nghề như: thợ xẻ gỗ, thợ nề, đi buôn… nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá lên.

 

Cơ may đến với anh khi 1 lần đi làm việc ở gần khu vực mỏ đá núi Voi (Đồng Hỷ) anh tình cờ biết đến nghề làm gạch không nung của 1 gia đình ở đây. Vào thời điểm năm 2005, gạch không nung là sản phẩm mới trên thị trường, có nhiều ưu điểm hơn so với gạch nung truyền thống như: Sản xuất đơn giản, giá thành rẻ hơn, không cần đốt lò nung như gạch truyền thống, nên không ảnh hưởng tới môi trường... Cụ thể, nguyên liện sản xuất chỉ bằng hỗn hợp xi măng trộn với đá dăm hoặc bột đá và nước theo tỷ lệ nhất định, đóng lại thành khuôn, sau đó sử dụng lực ép để gia tăng độ bền, chờ khô và xuất bán. Máy móc để sản xuất gạch không nung là thiết bị cơ khí có giá thành thấp làm cho chi phí sản xuất 1 viên gạch giảm tối thiểu, rẻ hơn nhiều so với 1 viên gạch nung truyền thống nên sản phẩm này rất phù hợp với những hộ dân có mức sống thấp. Nắm được những ưu điểm của gạch không nung, năm 2006, anh Thanh nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, học thêm kinh nghiệm rồi bàn với vợ, mạnh dạn vay 50 triệu đồng của ngân hàng và anh em bạn bè để mua 1 máy đóng gạch cũ với giá 40 triệu đồng. 10 triệu còn lại để dành để mua bột đá và xi măng để sản xuất gạch.

 

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều mẻ gạch bị bở, không đủ độ cứng, phải bỏ đi hết. Anh chị không nản chí, tự mình làm đi làm lại nhiều lần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ đó, tìm ra và áp dụng được công thức trộn nguyên liệu để làm ra được những viên gạch hình thức đẹp, cứng, chắc đạt yêu cầu chất lượng. Bên cạnh đó, máy sản xuất gạch đã cũ nên hay bị hỏng hóc, anh Thanh cũng chịu khó nghiên cứu học hỏi để tự mình sửa chữa được máy đóng gạch. Dần dần việc sản xuất đi vào ổn định, sản phẩm của gia đình anh bắt đầu được người dân quan tâm do gạch không nung có kích thước to hơn các loại gạch khác; giá rẻ hơn so với gạch nung truyền thống mà độ bền vẫn đảm bảo. Ban đầu khách hàng là những hộ dân xung quanh sử dụng loại gạch này để xây dựng các công trình phụ, tường rào… dần dần, họ còn sử dụng gạch không nung để xây dựng nhà ở. Nhờ chất lượng tốt, giá thành hợp lý, lượng khách hàng của gia đình anh chị ngày càng đông. Đến năm 2010, gia đình anh mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị mới, nâng sản lượng của xưởng tăng dần đạt gần 60 nghìn viên gạch/tháng thay vì 15 nghìn viên/tháng như trước kia. Gia đình anh chị cũng mua được 2 chiếc xe ô tô tải chuyên chở hàng đáp ứng yêu cầu của khách. Đến nay, những viên gạch của gia đình anh chị với kích thước chuẩn, chất lượng tốt, được xuất bán tại địa phương và các tỉnh lân cận tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

 

Chăm chỉ với những viên gạch, đến năm 2010, anh Thanh đã đầu tư thêm xưởng sản xuất gỗ với 4 máy cưa, xẻ, đục. Đến nay, tổng cộng tài sản từ 2 nhà xưởng kể trên trị giá trên 1 tỷ đồng. Xuất phát từ hộ nghèo, gia đình anh Thanh tạo được mức doanh thu từ 2 xưởng sản xuất gạch và gỗ kể trên đạt gần 1 tỷ đồng/năm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình với khoảng 180 triệu đồng/năm và vươn lên thành hộ giàu trong xã. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Thanh cho biết: Bí quyết thành công trong sản xuất kinh doanh gạch không nung và sản xuất đồ gỗ của gia đình anh chính là tích cực học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, đam mê và kiên trì trong sản xuất kinh doanh.