Sau 5 năm thực hiện Đề án nhằm tăng cường sức mạnh cho các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) của Công ty cổ phần (CTCP), các CTCP trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp đã được tiếp sức, tăng trưởng nhanh, vững chắc hơn.
Triển khai năng động ở cơ sở
5 năm trước (2009), Đảng ủy Khối Doanh nghiệp ban hành Đề án số 01 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trong các công ty cổ phần, giai đoạn 2009-2014”. Đề án gồm 2 nội dung lớn cần thực hiện: Nhiệm vụ chính trị; công tác xây dựng Đảng. Đến nay nhìn lại, 100% nhiệm vụ về tiêu chí về sản xuất kinh doanh năm 2014 của các CTCP đều tăng trưởng vượt bậc so với năm 2009: Giá trị đầu tư mới (tăng gần 10 lần), nộp ngân sách (tăng 5 lần), lao động hàng năm (tăng 8,4 lần), lợi nhuận (tăng 4,5 lần), đóng góp công tác xã hội, từ thiện (tăng 3,4 lần)…
Để có được kết quả này, các TCCSĐ đã triển khai Đề án khá năng động, phù hợp với tình hình của đơn vị. Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư CTCP Vật tư Nông nghiệp cho biết: Thực hiện Đề án, Đảng bộ đã xin ý kiến của toàn thể đảng viên và ban hành nghị quyết về “Chăm lo công tác cán bộ, thực hành tiết kiệm và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 5 năm qua, CT đã bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ vào các vị trí chủ chốt; đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng nhà kho và các cửa hàng bán lẻ vật tư nông nghiệp trong tỉnh; đầu tư 10 tỷ đồng thành lập đội xe văn phòng, hỗ trợ cho mỗi đơn vị trực thuộc mua từ 1 đến 3 xe vận tải nhỏ để vận chuyển, thành lập xưởng sửa chữa xe ô tô trong đơn vị. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, CT đã liên kết với nhà sản xuất đảm bảo nguồn gốc hàng hóa, bán hàng chậm trả từ 5-6 tháng cho nông dân; điều chỉnh mặt hàng bán ra phù hợp với nhu cầu vùng miền…Từ cách làm năng động thực hiện Đề án, doanh thu của đơn vị tăng 15%/năm, thị trường cung ứng vật tư nông nghiệp không chỉ mở rộng trong tỉnh mà còn sang các tỉnh bạn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Tuyên Quang…
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh hiện có 43 TCCSĐ trong CTCP. Trong đó, 7 DN có vốn nhà nước chi phối, 5 DN vốn nhà nước không chi phối, 31 DN không còn vốn nhà nước. |
Là đơn vị khá đặc biệt khi Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc (cổ phần chiếm 60% vốn điều lệ) lại… chưa là đảng viên, Đảng bộ CTCP Giấy Hoàng Văn Thụ đã xây dựng quy chế phối hợp với Hội đồng quản trị, thống nhất được chủ trương, kế hoạch, phương pháp điều hành. 3 đồng chí Phó Tổng giám đốc (là Bí thư Đảng ủy và Ủy viên Ban Thường vụ) phụ trách 3 mảng: Kỹ thuật sản xuất, kinh doanh tài chính, tổ chức nội vụ. Do đó nghị quyết của Đảng bộ và nghị quyết của Hội đồng quản trị được điều hành xuyên suốt. Đồng chí Nguyễn Việt Bắc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cho biết: So với năm đầu triển khai Đề án, thu nhập bình quân của người lao động tăng 66%, nộp ngân sách tăng 63,2%, cổ tức đạt 16-42%, vốn điều lệ được bảo toàn và tăng thêm 99%. Đơn vị đầu tư thêm 9 dây chuyền sản xuất giấy, hơn 10 xưởng sản xuất dăm mảnh và viên nén nguyên liệu xuất khẩu, tổng giá trị đầu tư gần 400 tỉ đồng.
Bằng cách kiện toàn, xây dựng các quy chế phối hợp, Chi bộ CTCP tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng đã phân công nhiệm vụ cho cấp ủy bám sát các chỉ tiêu của Đề án 01, đặc biệt về xây dựng Đảng. 5 năm qua Chi bộ đã cử 11 quần chúng đi học lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng, kết nạp 9 đảng viên mới (40% là người lao động trực tiếp); thực hiện 20 cuộc kiểm tra, giám sát…
Còn khó khăn chưa có cách tháo gỡ
Mặc dù vui mừng trước kết quả đạt được, song còn một số hạn chế khuyết điểm sau 5 năm thực hiện Đề án. 2 chỉ tiêu chính chưa đạt: Tỷ lệ TCCSĐ đạt Trong sạch vững mạnh (thấp 1,5%); tỷ lệ số tổ, đội, phòng, ban, xí nghiệp thành viên có chi bộ trực thuộc (thấp 47%); hàng năm còn 12-15% số đơn vị chưa hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, còn gần 40% đơn vị chưa đạt chuẩn doanh nghiệp văn hóa, số TCCSĐ yếu kém chiếm 2,3%, đến nay chưa khắc phục được.
Mổ xẻ nguyên nhân, đồng chí Ngô Văn Mão cho rằng do một số người đứng đầu TCCSĐ chưa nắm sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của Đề án, nên chỉ đạo thực hiện thiếu quyết liệt. Tuy nhiên, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cũng chia sẻ những trở ngại khi thực hiện Đề án trong các CTCP. Với tình hình sản xuất kinh doanh gặp muôn vàn khó khăn như hiện nay, nhiều CT “sập sệ”, cán bộ, đảng viên không yên tâm, gắn bó với đơn vị dẫn đến quy hoạch cán bộ không được như ý muốn.
Trong 43 TCCSĐ có 80,5% số tổ, đội, phân xưởng, chi nhánh, xí nghiệp thành viên có đảng viên, thấp hơn chỉ tiêu đề án 19,5% (Đề án là 100%); có 38% số tổ, đội, phân xưởng, chi nhánh, xí nghiệp thành viên có chi bộ trực thuộc, thấp hơn chỉ tiêu 47% (Đề án là 80%). |
Hơn nữa, các thành viên Hội đồng quản trị ngoài có đức, có tài, thì cần phải có tiền. Đảng viên nghèo khó được đại hội cổ đông bầu. Chưa kể, mối quan hệ giữa Đảng ủy và Hội đồng quản trị thực hiện theo Quyết định 287-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Ban Bí thư (Quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn). Trong đó quy định cấp ủy có trách nhiệm tham gia với Hội đồng quản trị (HĐQT), nhưng chưa chỉ rõ cách tham gia như thế nào? Trong khi phương thức lãnh đạo của không ít cấp ủy, mối quan hệ công tác với HĐQT, BGĐ, lãnh đạo các đoàn thể chính trị còn chậm đổi mới, hiệu quả thấp. Nhiều cấp ủy chưa ban hành được quy chế phối hợp với HĐQT, BGĐ.
Phân tích thành công và yếu kém, các TCCSĐ của 43 CTCP thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp rút ra bài học quan trọng: Đảng uỷ cần thay đổi nội dung và phương thức lãnh đạo để tránh lúng túng và bị động. Chủ trương và nghị quyết của Đảng bộ phải thống nhất với chủ trương của HĐQT, BGĐ phù hợp với Luật doanh nghiệp và tình hình thực tế của đơn vị. Nếu không nghị quyết của Đảng bộ chỉ là hợp thức hoá các quyết định của HĐQT, BGĐ.