Nhìn trên bản đồ, xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên) giống như một bán đảo vươn khơi bởi hợp lưu của 2 dòng sông Cầu và sông Công. Từ nhiều đời nay, đây là vùng đất trên bến, dưới thuyền, bên đôi bờ, nhân dân xây dựng lên những cầu cảng vận chuyển hàng hóa đến nhiều vùng, miền nơi dòng sông đi qua. Mỗi ngày, bờ phía Thuận Thành và phía bờ sông bên đất Hà Nội có cả trăm tàu, thuyền neo đậu, như vẽ vào không gian bức tranh quê bình yên của sự sống đang động cựa sinh sôi.
Cái bến bờ cho tàu thuyền neo đậu an toàn, để người và hàng hóa đi ngược, về xuôi ấy từ lâu được nhân dân địa phương gọi là cảng Đa Phúc. Cảng Đa Phúc là mom đất cuối của xã Thuận Thành, đồng thời là mảnh đất cuối phía Nam của T.X Phổ Yên và của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với xã Trung Giã (Sóc Sơn - Hà Nội) và xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa - Bắc Giang). Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, nên Thuận Thành... dưới sông có bến; trên đất có đường sắt, đường bộ và trở thành cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh vùng Đông Bắc. Chính vì vậy, nhiều doanh nhân, nhà đầu tư trong, ngoài nước đã ví Thuận Thành là nơi bến đậu lý tưởng để làm giàu. Ông Tô Văn Nhật, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần AVINAA cho biết: Khi quyết định đầu tư vào Thuận Thành chúng tôi gặp rất nhiều thuận lợi, như về mặt bằng xây dựng nhà máy, về an ninh trật tự, đặc biệt là sự ủng hộ của chính quyền nhân dân địa phương. Hiện Nhà máy sản xuất ống nhựa và Nhà máy sản xuất rượu Vodka cao cấp của AVINAA đã đi vào sản xuất ổn định, hằng năm đạt doanh thu sau thuế hàng tỷ đồng.
AVINAA là một trong nhiều công ty quyết định bỏ tiền vốn đầu tư xây dựng nhà máy và “neo đậu” lại, làm ăn lâu dài ở “bến đậu” Thuận Thành. Theo ông Nguyễn Trường Thọ, Chủ tịch UBND xã Thuận Thành: Đến nay, trên địa bàn xã đã có gần 30 doanh nhân đến đầu tư làm ăn, chủ yếu là sản xuất gạch lát nền, sản xuất ống nhựa, chế biến sữa, rượu... Hầu hết các doanh nghiệp đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có đóng góp nhất định đối với địa phương, điển hình như Nhà máy sản xuất gạch của Công ty cổ phần Prime Phổ Yên được xây dựng ở xóm Thượng Giã, với 3 dây chuyền sản xuất gạch Ceramic và 1 dây chuyền sản xuất gạch Granit. Năm 2014, Công ty đạt doanh thu 720 tỷ đồng, vượt 1,4 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra, nộp ngân sách Nhà nước 30 tỷ đồng. Cũng nhờ các nhà máy trên địa bàn đi vào hoạt động, hàng trăm lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Vì sao các nhà đầu tư “chịu” bỏ vốn làm ăn tại Thuận Thành? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Từ cuối năm 2009, Khu công nghiệp Nam Phổ Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được triển khai tại 2 xã Thuận Thành và Trung Thành, với quy mô diện tích 200ha, trong đó có 140ha đất thu hồi dành cho quy hoạch khu công nghiệp nằm trên đất của xã Thuận Thành. Đây là việc làm không dễ, nhưng Đảng ủy, chính quyền nhân dân xã Thuận Thành đã tích cực vào cuộc. Đảng ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Tổ công tác của xã gồm các đồng chí trong Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đơn vị thành viên mặt trận đã tích cực vào cuộc, đến với người dân để triển khai các văn bản chính sách pháp luật, tuyên truyền về chủ trương xây dựng khu công nghiệp với mục đích xây phát triển kinh tế lâu dài, hiệu quả của Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đồng thời vận động các hộ dân trong vùng Dự án nhận tiền đền bù đất và tài sản trên đất, giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thành viên tổ công tác làm việc công tâm, những vướng mắc của người dân được giải đáp thấu đáo, nên công tác giải phóng mặt bằng ở xã Thuận Thành thuận lợi, được nhân dân ủng hộ. Trong thời gian từ năm 2010 đến nay, nhân dân có đất trong vùng quy hoạch đã thực hiện bàn giao được hàng chục ha đất cho các nhà đầu tư, như: AVINAA; ICT và nặt bằng thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 3; đường điện 500kv; khu tái định cư đường điện 500kv và khu tái định cư Bờ Hội.
Cùng với triển khai thực hiện có hiệu quả khâu giải phóng mặt bằng, Thuận Thành còn làm tốt việc đón tiếp, tạo thuận lợi về thủ tục giấy tờ liên quan cho các nhà đầu tư và phối hợp với các cơ quan chức năng Nhà nước làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư yên tâm vào làm ăn tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết thêm: Là cửa ngõ giao thương giữa Hà Nội với Thái Nguyên và các tỉnh vùng Đông Bắc, xã có Quốc lộ 3 đi qua, có đường thủy lên nguồn, về xuôi và chỉ cách sân bay Nội Bài (Hà Nội) 25km. Ngoài có vị trí địa lý thuận lợi, Thuận Thành còn có nguồn nhân công dồi dào, nên vùng đất Thuận Thành được ví là “địa lợi, nhân hòa”, nhất là từ khi vùng đất này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng Dự án Khu Công nghiệp, đã như chắp cánh cho Thuận Thành hóa rồng, trở mình thức dậy, và như một “bến đậu” an toàn cho các nhà đầu tư.