Cây chè phát triển trên đất cằn

09:35, 08/09/2015

Phú Lợi là xóm duy nhất của xã Bàn Đạt (Phú Bình) đã mạnh dạn đưa cây chè cành vào trồng thay thế các cây trồng kém hiệu quả. Cây chè đang mở ra hướng làm ăn mới hiệu quả và bền vững cho người dân địa phương.

Khai Hoang là tên gọi trước đây của xóm Phú Lợi, xã Bàn Đạt, bởi đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, người dân của các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam… lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Do điều kiện đất đai cằn cỗi, không có hồ đập, sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn. Trên mảnh đất ấy, mấy chục năm nay, người dân chỉ biết trồng sắn, trồng cây mầu và đi chặt cây chổi để bán kiếm thêm tiền. Ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng xóm Phú Lợi cho biết: “Đất cấy lúa của xóm có 13ha, song do không thuận lợi về nguồn nước nên năng suất bấp bênh, chỉ đạt 1 tạ mỗi sào. Vì thế, cái đói, cái nghèo đeo bám người dân nơi đây, năm 2011, hộ nghèo và cận nghèo chiếm 80% số hộ”.

 

Năm 2011, Dự án trồng chè cành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh được triển khai, người dân trong xóm đã nhiệt tình tham gia. Đây có thể coi là bước ngoặt lớn, thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của người dân Phú Lợi.Với nguồn chè giống được Nhà nước hỗ trợ 100%, người dân nơi đây bắt đầu phá bỏ các cây trồng kém hiệu quả để thay thế bằng cây chè. Chè được trồng ở trên đồi, dưới bãi trồng mầu. Nhiều hộ còn đầu tư hàng chục triệu đồng để san gạt vườn đồi, đưa cây chè vào trồng. Sau 4 năm, Phú Lợi đã trồng được 15ha chè, 100% diện tích là giống chè cành như: LDP1, Khúc Vân Tiên…

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa và ông Phạm Quốc Văn là một trong những hộ trồng nhiều chè nhất xóm. Cùng với 6 thợ hái chè đang nhanh tay hái những búp chè non mởn, bà Hoa phấn khởi kể: “Trước đây, những vạt đồi này gia đình tôi và nhiều hộ dân khác chỉ biết trồng sắn. Từ khi xóm có chủ trương đưa cây chè về trồng, gia đình tôi là một trong những hộ đăng ký đầu tiên. Đến nay, diện tích chè của gia đình là hơn 1 mẫu, mỗi lứa, cho thu hoạch hơn 1 tạ chè búp khô, mỗi năm cho thu hoạch từ 7 đến 8 lứa chè”. Với diện tích chè hiện có, cả con trai, con dâu của bà Hoa đều ở nhà làm chè cùng gia đình mà không đi làm thuê như trước kia. Cuộc sống của gia đình bà Hoa đã thay đổi hẳn, gia đình bà Hoa đã có tiền để mua trâu, bò, phát triển kinh tế gia đình.

 

Trước đây, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lưỡng và chị Đào Thị Phương đi làm thuê khắp nơi từ trong Nam ngoài Bắc với đủ thứ nghề, nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó. Từ khi xóm được Nhà nước hỗ trợ cây giống chè, vợ chồng anh chị đã bàn tính cải tạo vườn bãi để trồng chè. Cùng với việc đầu tư trên 40 triệu đồng để san gạt mặt bằng, anh chị còn đầu tư công sức đi cắt hàng trăm gánh guột để che cho những diện tích chè mới trồng. Từ 6 sào chè trồng năm 2011, đến nay, vợ chồng anh chị đã có 1,3 mẫu chè. Trung bình cứ 32-35 ngày cho thu hoạch một lứa chè, mỗi lứa cho thu từ 1,2- 1,5 tạ chè búp khô, với giá hiện tại từ 90.000- 120.000 đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa gia đình cũng có thu nhập từ 8,5- 9 triệu đồng. Chị Phương cho biết: Mảnh ruộng trước kia gia đình chuyên trồng lạc, một năm 2 vụ cho thu nhập cao nhất cũng chỉ được 1 triệu đồng. Nhưng từ khi đưa cây chè vào trồng thay thế, vẫn mảnh đất ấy nhưng mỗi lứa cũng thu lãi trên 3 triệu đồng và nếu tính cả năm sẽ cho nhập khoảng 20 triệu đồng.

 

Bà Nguyễn Thị Quyết một người dân trong xóm cho biết: “Các thương lái thường xuyên đến tận nhà thu mua chè cho bà con, chè làm ra đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, do điện yếu nên chất lượng chè phần nào bị ảnh hưởng”. Ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng xóm Phú Lợi cho biết thêm: “Không chỉ nguồn điện yếu mà hệ thống đường giao thông trong xóm cũng chưa được đầu tư, toàn đường đất, nên thương lái thường ép giá. Người dân trong xóm rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng”.

 

Mặc dù đã lựa chọn được cây trồng phù hợp và cuộc sống người dân Phú Lợi đã từng bước có những đổi thay nhất định, song hiện tại, Phú lợi vẫn còn là một xóm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 75%. Vì thế, người dân nơi đây vẫn mong nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước nhiều hơn nữa để Phú Lợi phát triển bền vững.