Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

10:52, 08/09/2015

Những năm gần đây, nông dân tỉnh ta đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đó góp phần giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 6.000 máy cày bừa, 440 máy gặt đập liên hợp, 460 máy hái chè và hàng chục nghìn máy cắt cỏ, sao, vò, chè…

Mỗi năm, tỉnh ta gieo cấy khoảng 70.000ha lúa và trồng gần 20.000ha rau màu các loại. Vì vậy, nhu cầu sử dụng máy móc phục vụ khâu làm đất và thu hoạch của bà con rất cao. Anh Hà Văn Tình, ở xóm Giếng, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) cho biết: Nếu sử dụng trâu, bò để cày bừa thì phải mất cả buổi sáng mới xong 1 sào ruộng. Còn sử dụng máy cày chỉ cần khoảng 1 giờ là xong.

 

Cùng với máy cày, những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy cắt cỏ, sao chè… cũng đang phục vụ đắc lực cho bà con nông dân. Anh Lê Văn Hòa, ở xóm 8, xã Bình Thuận (Đại Từ) cho hay: Có các loại máy móc phục vụ sản xuất, người nông dân chúng tôi đỡ vất vả hơn. Trước đây, việc gặt lúa, làm cỏ trong vườn khiến gia đình tôi mất rất nhiều thời gian. Nhà có 1 mẫu ruộng, vào mùa gặt, 2 vợ chồng tôi làm không xuể, thuê người thì tốn kém (phải trả 150-200 nghìn đồng/người/ngày công). Do đó, năm ngoái, tôi đã đầu tư gần 4 triệu đồng mua một chiếc máy cắt cỏ của hãng Honda. Chiếc máy này không chỉ phục vụ việc làm cỏ mà còn sử dụng để thu hoạch lúa rất tiện lợi. Từ ngày có máy, mỗi sào ruộng tôi chỉ gặt chừng hơn 1 giờ là xong, sau đó thuê máy tuốt lúa ngay tại ruộng (rơm để lại ủ nhằm cải tạo đất ruộng, chỉ chở thóc về nhà) nên cũng giảm được công lao động, chi phí vận chuyển…

 

Với sự trợ giúp của các loại máy móc, việc làm đất, thu hoạch nhanh chóng đã giúp cho nông dân trong tỉnh sản xuất lúa đảm bảo đúng khung thời vụ và tăng hệ số sử dụng đất cũng như góp phần làm tăng diện tích gieo trồng cây màu vụ đông. Chị Hồ Thị Thúy, một người dân ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Máy móc giúp việc gieo cấy 2 vụ lúa của chúng tôi được thuận lợi. Nhờ đó, ngay khi lúa mùa chín, đất được giải phóng kịp thời để chúng tôi nhanh chóng trồng cây màu, nhất là các loại cây cho giá trị kinh tế cao gấp 2, 3 lần so với cấy lúa như rau xanh các loại, hoa, ngô... Mấy năm trước, do chưa có điều kiện đầu tư các loại máy móc, có những diện tích lúa mùa thu hoạch bị chậm nên đất ruộng của chúng tôi đành phải bỏ hoang trong vụ đông.

 

Không chỉ mang lại hiệu quả trong khâu thu hoạch, làm đất, giúp tăng hệ số sử dụng đất trên cùng một đơn vị diện tích, nhiều loại máy móc đang rất phát huy tại các vùng sản xuất chè trong tỉnh. Với gần 21 nghìn ha chè, trong đó có trên 17,5ha chè cho sản phẩm, để sản xuất chè mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi hộ trồng chè đều trang bị đầy đủ các loại máy móc phục vụ chế biến… Ông Phạm Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Đô (Phú Lương) nói: Chè là cây kinh tế mũi nhọn, giúp người dân trong xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện nay, xã có 470ha chè, trong đó có 430ha chè cho sản phẩm. Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của các loại máy móc, chè bà con thu hái về được chế biến ngay nên chất lượng ngon hơn, bán được giá cao hơn trước rất nhiều nên hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này ngày càng được nâng lên (đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp đôi so với 5 năm trước).

 

Thực tế cho thấy, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều cánh đồng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với hệ thống giao thông nội đồng nhằm tạo điều kiện cho nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, do điều kiện kinh tế của không ít nông dân trong tỉnh còn khó khăn; trình độ chuyên môn vận hành, sửa chữa các loại máy móc còn hạn chế; địa hình sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung cho gieo trồng, thu hoạch đúng thời điểm; nhận thức của một bộ phận người dân trong việc tiếp nhận, chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới chưa cao nên việc đầu tư, áp dụng các khâu cơ giới hóa từ gieo trồng, thu hoạch đến chế biến… vẫn đang thiếu đồng bộ. Đặc biệt, các trang thiết bị, máy móc phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp, nông thôn ở Thái Nguyên chủ yếu lắp đặt máy canh tác nhỏ; số lượng cung cấp, sửa chữa, bảo hành hành thiết bị cơ khí còn ít, quy mô nhỏ…

 

Do đó, để việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các hình thức hỗ trợ nông dân mua các loại máy móc, thiết bị, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm tới việc tập huấn, hướng dẫn người dân vận hành, sửa chữa các loại máy móc; vận động các địa phương nhân rộng mô hình “cánh đồng một giống” để việc làm đất, gieo trồng, thu hoạch được tiện lợi; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có năng lực, chuyên môn mở các trung tâm sửa chữa máy móc, thiết bị cho nông dân...