Khơi dậy nội lực ở Yên Ngựa

11:10, 22/09/2015

Bao năm gắn bó với ruộng đồng, nương bãi để làm ra hạt thóc, ngô, khoai và chăn nuôi nhưng đời sống của người dân ở xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi bà con thực hiện chủ trương chuyển đổi sang trồng cây ăn quả của cấp uỷ, chính quyền địa phương thì thu nhập đã dần trở nên khấm khá. Người dân ở vùng quê này không chỉ vươn làm giàu cho bản thân mà còn đoàn kết để chung sức xây dựng nông thôn mới…

Đi hết con đường trục đã được đổ bê tộng rộng 3m lên đỉnh dốc Yên Ngựa, xóm Yên Ngựa hiện ra trước mắt chúng tôi với những căn nhà mái ngói đỏ tươi, bao quanh là những vườn cây ăn quả xanh tốt. Đã cuối mùa na, nhưng trong xóm vẫn rộn tiếng nói cười rôm rả của những người nông dân sau vụ quả bội thu và thương lái đến mua những thùng trái cây cuối cùng…

 

Cuộc sống yên bình, ấm no đang hiện hữu ở Yên Ngựa. Nhưng ít ai biết rằng vài năm trước, Yên Ngựa là một vùng quê thuần nông nghèo, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nghề nông mà sản phẩm làm ra là hạt thóc, hạt ngô, củ sắn nên đời sống gặp không ít khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Mai Huyên, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT Võ Nhai: Năm 2006, xóm Yên Ngựa được đưa vào diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo là 55%. Nhưng, sau gần 10 năm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân tích cực đưa các giống cây ăn quả vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thu nhập được nâng lên. Đến năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 10% và trở thành một trong những xóm có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất của huyện Võ Nhai…

 

Năm 1960, theo chính sách đi làm kinh tế mới của Nhà nước, 13 hộ ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) lên vùng đất này khai hoang, để trồng ngô, cấy lúa. Khi mới định cư, các hộ dân trên được nhập vào xóm La Hóa, xã Lâu Thượng. Từ 13 gia đình, sau 3 thập kỷ đã phát triển lên gần 50 hộ gia nên đến năm 1991, chính quyền đã tách và thành lập xóm Yên Ngựa ngày nay. Hiện xóm có 70 hộ gia đình. Với diện tích đất nông nghiệp có hạn, nguồn nước phục vụ sản xuất không thuận lợi nên bao năm, người dân xóm Yên Ngựa trồng ngô, cây lúa nhưng năng suất không cao, hộ nào nhiều ruộng cũng chỉ đủ ăn. Năm 2007, gia đình bà Tạ Thị Loan ở trong xóm đã trồng thử nghiệm hơn 50 gốc cam Vinh ở khu vực quanh nhà, với mục đích không bỏ trống đất.

 

Sau 3 năm, 50 gốc cam trên đã cho thu hoạch, nhưng vì chưa có kỹ thuật chăm sóc nên năng suất còn thấp. Nhận thấy cây ăn quả là hướng đi thích hợp nên ông Hoàng Văn Đạo (chồng bà Loan) đã tự mình đi xuống huyện Khoái Châu (Hưng Yên) để học hỏi kinh nghiệm rồi về mở rộng diện tích loại cây trồng này. Sau vài năm chuyên canh cây ăn quả, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà trở thành hộ có kinh tế khá tại địa phương. Ông Đạo vui mừng chia sẻ: Thổ nhưỡng ở đây rất hợp với cây cam Vinh nên hiện tại, gia đình đã mở rộng diện tích lên 0,6ha. Mỗi năm cho thu hoạch từ 15 đến 20 tấn quả/năm, giá bán cho thương lái tại vườn từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, gia đình ông còn 500 gốc na đã cho thu hoạch, trồng thử nghiệm 100 gốc bưởi da xanh. Trong vòng 3 năm trở lại đây, gia đình thu nhập được gần 300 triệu đồng/năm từ bán trái cây.

 

Biết cánh làm giàu trên chính mảnh đất này của gia đình ông Hoàng Văn Đạo đã là động lực cho những hộ dân khác ở Yên Ngựa học tập. Đến nay, 90% hộ dân trong xóm Yên Ngựa đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao, như: bưởi Diễn, cam Vinh, nhãn Miền, na. Trong đó, diện tích na đạt gần 14ha, nhãn Miền 13ha, cam Vinh đặt 2ha, bưởi Diễn 2ha. Đặc biệt, ở những lưng núi đa cằn cỗi quanh xóm Yên Ngựa tưởng như không có giá trị thì nay đã được người dân khai phá để trồng na và quýt Bắc Sơn. Bà Phạm Thị Thu, Trưởng xóm Yên Ngựa chia sẻ: Chuyển sang trồng cây ăn quả là bước ngoặt cho phát triển kinh tế ở Yên Ngựa. Thời gian đầu, người dân cũng gặp không ít khó khăn do không có vốn, tích trữ lương thực ít, trong khi đó, cây ăn quả lâu cho thu hoạch… Nhưng được các cán bộ khuyên nông hướng dẫn, trong thời gian cây ăn quả chưa khép tán, người dân vẫn tận dụng để trồng ngô và các loại hoa màu khác nên thu nhập có thấp đi nhưng không bị gián đoạn. Đặc biệt, từ năm 2013, con đường vào xóm đã được người dân đối ứng để đổ bê tông nên thương lái vào tận các vườn để mua. Giao thông thuận tiện nên giá bán các loại nông sản cũng cao hơn trước. Đến cuối năm 2015, người dân trong xóm sẽ tiếp tục đối ứng để đổ bê tông tuyến đường vào đến khu vực trung tâm của vùng trồng cây ăn quả để thuận tiện cho việc canh tác của người dân…

 

Bà Nguyễn Thị Mai Huyên cho biết thêm: Xóm Yên Ngựa đã được quy hoạch thành vùng chuyên canh cây ăn quả của huyện. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT Võ Nhai, Trạm Khuyến nông huyện đã tích cực mở các lớp tập huấn kỹ thuật, tổ chức cho người dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm của các mô hình trồng cây ăn quả… Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ xi măng theo Chương trình xây dựng nông thôn mới để xóm Yên Ngựa đổ đường bê tông vào khu vực trồng cây ăn quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc chăm sóc và thu hoạch…