Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

14:54, 21/09/2015

Năm 2015, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời kêu gọi các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tích cực đẩy mạnh sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Là tỉnh giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, lại nằm ở trung tâm vùng Việt Bắc nên Thái Nguyên có lợi thế về vị trí địa lý. Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản với trữ lượng lớn và phong phú về chủng loại. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, bình quân nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 13,1%/năm. An ninh - quốc phòng ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi, hạ tầng giao thông tương đối tốt, nguồn nhân lực dồi dào, có nền tảng sản xuất công nghiệp được tích lũy từ hàng chục năm qua... Đó là những lợi thế lớn của tỉnh trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH), xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

 

Với những lợi thế đó, trong những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhiều doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn như: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG... đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cao giá trị sản lượng và doanh thu. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, riêng trong 8 tháng của năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt hơn 235.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,93 lần so với cùng kỳ năm trước và bằng 90,4% kế hoạch cả năm. Trong nội bộ ngành Công nghiệp cũng có những bước phát triển tích cực khi tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo thường chiếm tỷ lệ khá cao và duy trì tốc độ tăng trưởng đều; trong khi công nghiệp khai khoáng - lĩnh vực phát triển dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên - đã được chú trọng khai thác một cách hợp lý. Tính đến nay, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn đã thu hút được 118 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 8.700 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động và nộp vào ngân sách tỉnh trên 300 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Xác định phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 25-5-2005 về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; UBND tỉnh ban hành Đề án BVMT tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH giai đoạn 2007-2010 và giai đoạn 2011-2015.

 

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong các đảng bộ, địa phương, DN. Sau 10 năm triển khai thực hiện, một số mục tiêu BVMT chủ yếu đề ra trong kế hoạch đã hoàn thành. Nhận thức trách nhiệm về công tác BVMT của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Công tác BVMT ngày càng được cộng đồng quan tâm, chú trọng. Hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt quy định lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT chi tiết hoặc lập bản cam kết BVMT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã phê duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường đối với 369 dự án thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh, xác nhận hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc cấp huyện quản lý. Các nguồn chất thải nguy hại được đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý, đến nay đã cấp 174 sổ đăng ký chủ nguồn thải, chất thải nguy hại cho các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.  

 

Để thực hiện tốt các tiêu chí về BVMT, một số DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cố gắng đầu tư, đổi mới trang thiết bị sản xuất, tiếp nhận công nghệ mới, tiên tiến. Các DN mới xây dựng bằng 100% vốn nước ngoài và liên doanh nước ngoài nhìn chung có thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, có hệ thống xử lý nước thải, bụi thải nên các nguồn nước thải từ các DN này thải ra môi trường đảm bảo tiêu chuẩn cho phép như: Dự án đầu tư của Tập đoàn công nghệ cao Samsung, các công ty phụ trợ cho Samsung tại KCN Yên Bình và hàng chục nhà đầu tư của các tập đoàn thuộc Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo, Indonesia…

 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số vụ vi phạm pháp luật về BVMT vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, như: Vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Công ty CP Sơn Lâm Chi nhánh Thái Nguyên; vụ việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo; việc đốt rác thải công nghiệp của HTX Phúc Lợi gây khói bụi, ô nhiễm nặng cho dân cư ở vùng xung quanh… Mặc dù những vụ việc trên đã được các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc, tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý thích hợp, nhưng dự báo việc gây ô nhiễm môi trường của các DN trên địa bàn vẫn còn tiềm tàng, có thể tiếp tục xảy ra nếu các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý.

 

Đối với các khu vực gây ô nhiễm, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức lập và phê duyệt các dự án khắc phục ô nhiễm tại một số điểm nóng về môi trường, như: Nạo vét suối Cố, kè bờ Sông Cầu đoạn từ Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đến Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn... Tỉnh đã hoàn thành xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng.

 

Năm 2015, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác BVMT thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời kêu gọi các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tích cực đẩy mạnh sản xuất gắn với BVMT. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức các khóa đào tạo, các hội thi tìm hiểu về sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; có chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư cho các DN trên địa bàn tỉnh chuyển giao và đổi mới công nghệ...

 

BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” trên địa bàn tỉnh là rất đáng ghi nhận, cần được tiếp tục coi trọng thực hiện trong thời gian tới. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác phát triển công nghiệp gắn với BVMT của tỉnh sẽ đạt được kết quả tốt hơn nữa, góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời ngăn ngừa, khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại môi trường sống trong lành cho người dân trên địa bàn.