Phát triển công nghiệp ở một thị xã trẻ

10:40, 14/09/2015

Những năm gần đây, với sức hút mạnh mẽ từ cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng và sự tạo điều kiện, đồng thuận của chính quyền cùng bà con nhân dân, T.X Phổ Yên đã thực sự trở thành tâm điểm đầu tư phát triển công nghiệp của cả tỉnh. Điều đáng nói là quy mô và lĩnh vực đầu tư của các dự án tại địa phương đều theo hướng công nghiệp hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao.

Ai cũng hiểu Công ty Điện tử Samsung có mặt tại Khu công nghiệp Yên Bình là thành quả thu hút đầu tư chung của cả tỉnh, nhưng không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của T.X Phổ Yên, nơi Tập đoàn danh tiếng của Hàn Quốc xây dựng cơ sở sản xuất với số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Trong một phát biểu gần đây về vai trò của các địa phương trong thu hút đầu tư vào tỉnh, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận: Với việc chỉ mất 57 ngày để giải phóng mặt bằng, kịp cung cấp đất sạch cho nhà đầu tư Samsung theo cam kết là một thành tích không nhỏ của Phổ Yên. Sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân Thị xã đã góp phần cùng tỉnh và các nhà đầu tư hoàn thành nhanh chóng những dự án đã được phê duyệt…

 

Không riêng Samsung, một loạt dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm phụ trợ cho nhà đầu tư này và không ít doanh nghiệp trong nước khác đã được bố trí mặt bằng hợp lý tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Phổ Yên. Chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng các dự án FDI có mặt ở đây đã lên tới con số vài chục, tạo môi trường phát triển công nghiệp sôi động chưa từng thấy. Trong đó, chủ yếu là các dự án sản xuất điện tử, linh kiện điện tử có hàm lượng công nghệ cao, ít tác động xấu đến môi trường tự nhiên. Ông Yoo Young - Bok, Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Thái Nguyên cho biết, sở dĩ Tập đoàn Samsung có mặt tại Thái Nguyên ngoài các lý do về cơ chế, vị trí địa lý, khả năng đầu tư còn là bởi ở Phổ Yên có Khu công nghiệp (KCN) tập trung quy mô lớn, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện, về phía người dân thì thân thiện, cởi mở.

 

Nếu như năm 2010, trên địa bàn Phổ Yên chỉ có 34 doanh nghiệp thì đến nay đã tăng lên tới gần 100 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp đóng góp doanh số tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng Thị xã, kết thúc năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt trên 147 nghìn tỷ đồng, tăng 12 lần so với mục tiêu đề ra của Thị xã, trong đó phần địa phương quản lý là 1.900 tỷ đồng. Trong cơ cấu kinh tế của Thị xã, khu vực công nghiệp - xây dựng đã chiếm tới 81,8%, điều mà ít địa phương có được. Năm 2015, dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Phổ Yên sẽ tăng hàng chục nghìn tỷ đồng so với năm trước.

 

Để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, Thị xã luôn coi trọng công tác quy hoạch và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quyết định đến quy mô và tốc độ tăng trưởng của địa phương sau này. Trong quy hoạch phát triển công nghiệp, Phổ Yên quan tâm đến quy hoạch các KCN tập trung và các cụm công nghiệp (CCN), bởi hầu hết doanh nghiệp đều quan tâm đến mặt bằng trước khi quyết định đầu tư. Hiện tại, so với các địa phương khác trong tỉnh, Phổ Yên đang sở hữu số lượng khu, cụm công nghiệp nhiều nhất, quy mô nhất. Theo quy hoạch thì Phổ Yên có 5 KCN tập trung với tổng diện tích lên tới 1.285ha gồm: KCN Yên Bình I (400ha) với các dự án đã và đang hoạt động của Samsung, KCN Yên Bình II (365ha), KCN Điềm Thụy (180ha, trong đó có 98,4ha thuộc địa bàn Phổ Yên), KCN Quốc phòng (213ha) và KCN Nam Phổ Yên (213,97ha). Trên địa bàn cũng có 6 CCN với tổng diện tích trên 125ha, gồm: CCN số 2 cảng Đa Phúc (30ha), CCN số 3 cảng Đa Phúc (19,6ha), CCN Tân Hương (26,5ha), CCN Vân Thượng (47ha), CCN Nam Tiến 1 (1ha) và CCN Nam tiến 2 (1ha). Với các quy hoạch phát triển công nghiệp tương đối hoàn chỉnh này cho thấy Phổ Yên luôn sẵn sàng thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu trở thành thị xã công nghiệp trong tương lai gần.

 

Được biết, năm 2010, Phổ Yên đã xây dựng Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2011-2016. Qua gần 5 năm thực hiện Đề án đến nay cho thấy, kết quả đạt được đã vượt xa so với mục tiêu kế hoạch đề ra và ngoài sự mong đợi của địa phương. Trong đó, cùng với tăng trưởng mạnh về công nghiệp, với sự góp mặt đáng nể của khu vực vốn FDI và khu vực vốn trong nước, Thị xã còn cải thiện môi trường sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Hiện tại tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Phổ Yên là 102 đơn vị và khoảng 3.200 hộ sản xuất cá thể. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp chủ yếu của địa phương là cát sỏi, gạch xây dựng, hàng may mặc, mây tre đan xuất khẩu, đồ mộc gia dụng, chế biến chè. Toàn Thị xã có gần 30 làng nghề, trong đó có tới 24 làng nghề làm chè, còn lại là làng nghề mộc, mây tre đan, dâu tằm tơ... Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng T.X Phổ Yên thì việc phát triển mạnh mẽ khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề không chỉ giúp tăng mạnh về giá trị sản xuất, giá trị xuất khẩu cho Thị xã mà còn giúp giải quyết việc làm cho trên 70.000 lao động, tăng thu nhập bình quân đầu người ở mức 136 triệu đồng/năm.

 

Với tốc độ phát triển công nghiệp như hiện nay, hy vọng Phổ Yên sớm hoàn thành mục tiêu lớn đề ra, đó là trở thành thị xã công nghiệp, trung tâm kinh tế phía Nam của tỉnh.